Bất đồng phủ bóng Hội nghị NATO
Ngày 11-7, Hội nghị Thượng đỉnh NATO khai mạc tại Brussels, Bỉ với sự tham gia của hơn 40 nhà lãnh đạo tới từ 29 quốc gia thành viên và các nước đối tác. Hội nghị diễn ra 2 ngày trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu xung quanh vấn đề gia tăng ngân sách quốc phòng. Tại đây, các nước Châu Âu phải chịu sức ép rất lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đóng góp chi phí tài chính nhiều hơn cho liên minh quân sự duy nhất trên thế giới này.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ hai, từ phải sang) trò chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) trong bữa ăn sáng tại Brussels sáng 11-7. Ảnh: AP |
Áp lực chi tiêu quốc phòng
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, các quan chức Mỹ và đồng minh chính thức công bố các thỏa thuận đã đạt được bao gồm: Các bước cải thiện sự sẵn sàng và khả năng chiến đấu của NATO, vai trò ngày càng tăng của NATO trong nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ ở Iraq, tăng cường khả năng trong lĩnh vực an ninh mạng, cũng như công bố 2 tư lệnh mới của NATO, một ở Mỹ và một ở Đức.
Nhưng sự giận dữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chi tiêu đang làm lu mờ những thành tựu này. Theo thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên NATO năm 2014, các quốc gia thành viên sẽ tăng mức chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP vào năm 2024. Tuy nhiên, theo Tổng thống Trump, một số quốc gia thành viên NATO không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết. Hiện chỉ có 8 trong số 29 nước thành viên NATO hoàn thành mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Lithuania.
Ông Trump đến hội nghị NATO lần này với một thái độ kiên quyết bảo vệ quan điểm trong việc chia sẻ gánh nặng về ngân sách quốc phòng giữa các nước trong khối. Ông chủ Nhà Trắng từ lâu đã có những tuyên bố chỉ trích NATO "lỗi thời", đặc biệt phản ứng mạnh mẽ với các đóng góp không công bằng từ các nước thành viên trong khối.
Trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tuần qua, ông Trump còn sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn như "họ đang giết dần chúng ta" hay "Mỹ không thể mãi hào phóng trả cho mọi hóa đơn". Tổng thống Mỹ thậm chí còn gửi thư cá nhân đến các nước thành viên NATO như Đức, Bỉ, Canada kêu gọi đóng góp nhiều tiền hơn và đe dọa sẽ thay đổi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Âu nếu họ không đáp ứng yêu cầu.
Trước khi lên đường tham dự hội nghị, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter: "Nhiều quốc gia thuộc NATO được Mỹ bảo vệ không chỉ không hoàn thành mức cam kết 2% mà còn chậm chi trả các khoản đóng góp trong nhiều năm. Liệu các nước này có bồi hoàn cho Mỹ?".
Những chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ cũng đang khiến các nước đồng minh Châu Âu phật lòng. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk ngày 10-7 cảnh báo, "nước Mỹ cần tôn trọng các đồng minh", "Tiền rất quan trọng nhưng tạo ra sự đoàn kết thì quan trọng hơn". Tuy nhiên, ông Tusk cũng kêu gọi các nước Châu Âu cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Theo ông Derek Chollet, cựu quan chức Bộ Quốc phòng và là cố vấn cấp cao về chính sách an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Đức, ông Trump hiểu sai về NATO, "ông ấy nói về NATO như thể nó là một câu lạc bộ trong đó các thành viên đang nợ lệ phí… Đây là số tiền mà họ chi cho tự vệ", ông Chollet cho biết, nói thêm rằng, "ông Trump đã không quan tâm đến chi tiết".
Các quan chức Châu Âu quan ngại khả năng ông Trump sẽ làm điều gì đó liên quan đến việc dỡ bỏ các cuộc tập trận quân sự của NATO, giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Châu Âu hoặc vấn đề mở rộng NATO trong tương lai. Ông Trump thậm chí có thể xóa bỏ kế hoạch tài trợ cho Sáng kiến ngăn chặn Châu Âu, dự kiến sẽ tăng từ 4,8 tỷ USD lên 6,5 tỷ USD trong năm tới.
Vấn đề Nga
Bên cạnh vấn đề chi tiêu quốc phòng, mối quan hệ với Nga cũng được cho là điều đang gây chia rẽ đặc biệt giữa các nước thành viên NATO, khi Hội nghị NATO chỉ diễn ra vài ngày trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Giới ngoại giao lo ngại, một hội nghị với những tranh cãi gay gắt có thể làm xói mòn những nỗ lực nhằm chứng minh sự đoàn kết trong việc đối phó mối đe dọa gia tăng ở sườn phía Đông của liên minh này, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ dự định gặp người đồng cấp Nga tại Helsinki vài ngày sau đó. "Tôi nghĩ là điều đúng đắn khi Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Nga. Tôi tin tưởng rằng cuộc gặp rất quan trọng bởi vì đối thoại là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bất cứ biện pháp nào giúp giảm căng thẳng chúng tôi cũng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều quan trọng là NATO cần phải đoàn kết", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh.
Trong khi đó, trong một cuộc trao đổi đầy kịch tính với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sáng 11-7, ông Trump tuyên bố một dự án đường ống đã làm cho Đức "hoàn toàn bị kiểm soát" và "bị Nga bắt giữ". Ông Trump dường như đề cập đến tuyến đường ống Nord Stream 2 mang khí đốt từ Nga đến bờ biển phía đông bắc của Đức, đi qua các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và Ukraine, tăng gấp đôi lượng khí đốt Nga có thể gửi trực tiếp tới Đức. Đường ống dưới biển này bị Mỹ và một số thành viên EU khác phản đối, cảnh báo nó có thể cung cấp cho Moscow đòn bẩy lớn hơn đối với Tây Âu.
AN BÌNH