Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác với công nghệ lừa tiền “4.0”

Thứ hai, 12/04/2021 07:37

Từ đầu năm 2021, qua trinh sát trên không gian mạng, Đội 5 Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Đà Nẵng thấy xuất hiện một nhóm chuyên tạo ra các trang web có giao diện giống với các website chuyên thanh toán trực tuyến có uy tin tại Việt Nam để lừa đảo.

Đại tá Trần Mưu tặng hoa, động viên tập thể CBCS Phòng CSHS, Đội 5.

Phương thức thực hiện của nhóm là thường xuyên truy cập vào các website chuyên bán hàng trực tuyến để lấy số điện thoại của khách hàng rao bán các loại mặt hàng. Sau đó, chúng kết bạn qua Zalo để tiến hành mua các sản phẩm được khách hàng rao bán. Sau khi thỏa thuận về giá bán, các đối tượng liên tục yêu cầu được đặt cọc tiền thông qua hình thức chuyển khoản trên các web thanh toán online. Nạn nhân sẽ được các đối tượng dùng zalo để gởi một đường link và yêu cầu nạn nhân nhập các thông tin để nhận tiền cọc. Sau khi nạn nhân điền các thông tin theo yêu cầu trên trang website giả, các đối tượng sẽ nhanh chóng làm chủ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Chúng “đột nhập” vào các tài khoản đó rồi chuyển tất cả số tiền có trong tài khoản sang 1 tài khoản đã chuẩn bị trước.

Vụ việc được Phòng CSHS Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận vào ngày 31-3-2021, thông qua đơn thư của bà T.T.M.D (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Theo bà D. trình báo, đối tượng đã sử dụng số điện thoại 078.769.047 và tài khoản Zalo có tên “Tiến Lộc” gởi đường link giả mạo website thanh toán trực tuyến Viettelpay và yêu cầu bà D. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt của bà D. số tiền 100 triệu đồng. Đội 5 Phòng CSHS đã đề xuất xác lập Chuyên án C421 để tiến hành xác minh, điều tra.

Sau khi đã xác minh được các thông tin liên quan đến số tài khoản ngân hàng được chuyển đến, tiếp tục khoanh vùng đối tượng, Đội 5 đã truy vết điện tử các hành vi phạm tội của nhóm tội phạm này. Đến ngày 6-4, Ban chuyên án đã phá án, bắt giữ khẩn cấp và tạm giữ 4 đối tượng có liên quan, gồm: Lê Tất Thắng (1992), Nguyễn Duy Trí (1997), Nguyễn Hữu Nhật (1995), Lê Văn Nam (1997, cùng trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); thu giữ nhiều tang vật gồm 1 laptop, 8 điện thoại, 10 thẻ ngân hàng mà đối tượng đã sử dụng để gây án.

Bước đầu, cơ quan Công an xác định: Thắng là người trực tiếp lừa đảo bà D. thông qua sử dụng trang web: viettelpayment.weebly.com để lấy các thông tin về tài khoản BIDV sau đó chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng. Ngoài ra, Thắng đã thực hiện thành công hơn 10 vụ lừa đảo khác, chiếm đoạt 70 triệu đồng. Riêng trang web: zalopay.weebly.com do Trí sử dụng để lừa đảo, cũng đã chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng. Đỉnh của nhóm là đối tượng Lê Văn Nam, Nam có kiến thức về CNTT, chuyên kinh doanh trên mạng và nhiều lần thực hiện các phương thức lừa đảo bằng trang web: vtcpay24.weebly.com. Số tiền Nam chiếm đoạt được hơn 210 triệu đồng. Riêng đối tượng Nhật không trực tiếp lừa đảo mà chỉ nhận tiền từ các nạn nhân. Sau đó, Nhật sẽ nhận số tiền “hoa hồng” 30%, sau nhiều lần phạm tội, đối tượng Nhật đã chiếm đoạt số tiền trên 90 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng CSHS cho biết: Thực chất, các website mà các đối tượng hướng dẫn chủ tài khoản truy cập đều là giả mạo, có giao diện rất giống với trang web chính nhằm đánh lừa nạn nhân. Sau khi nạn nhân truy cập, các đối tượng sẽ có được thông tin tài khoản, mật khẩu truy cập ngân hàng của nạn nhân. Sau đó, đối tượng sẽ truy cập vào các website Ngân hàng chính thống để chiếm đoạt quyền quản trị và thực hiện các giao dịch chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng không chính chủ do chúng chuẩn bị sẵn. Khi hệ thống ngân hàng gửi mã OTP xác thực về số điện thoại của các bị hại thì các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân đăng nhập mã OTP vào trang website giả mạo để chúng chiếm đoạt, hoàn tất thực hiện giao dịch chuyển tiền. Đặc biệt, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng thủ đoạn cấu kết với các đối tượng chuyên thu mua nhiều tài khoản Ngân hàng cá nhân để nhận tiền chiếm đoạt chuyển vào, sau đó rút tiền mặt tại các trạm ATM của nhiều ngân hàng khác rồi ăn chia với nhau theo tỷ lệ phần trăm đã thỏa thuận trước.

Sáng 9-4, Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã đến thăm và khen thưởng CBCS Phòng CSHS (CATP Đà Nẵng), đặc biệt là đội 5. Đại tá Trần Mưu cho rằng, phương thức hình sự rất nhiều nhưng loại phương thức Công nghệ cao là những án khó phá nhất. Các loại án này đòi hỏi phải thu thập chứng cứ điện tử rất khó khăn, đội chuyên án phải có trình độ về CNTT rất cao, bên cạnh đó, vết của tội phạm rất “ảo”. Việc khám phá thành công Chuyên án C421 là một thành công rất lớn của Phòng CSHS, của Đội 5. Bên cạnh đó, Đại tá Trần Mưu cũng yêu cầu lãnh đạo Phòng phối hợp với Bộ Công an tiếp tục đấu tranh khai thác mở rộng, xem xét số lượng tiền, nạn nhân bị chiếm đoạt, đồng thời thông tin rộng rãi về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này để nhân dân cảnh giác, tự đề phòng.

LÊ ANH TUẤN