Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau cáo buộc Mỹ hỗ trợ khủng bố ở Syria

Thứ tư, 11/10/2017 08:43

Bộ Quốc phòng Syria ngày 10-10 đưa ra bằng chứng mới cho thấy, Israel và liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã hỗ trợ, ủng hộ tài chính và cung cấp vũ khí, đạn cho các tổ chức khủng bố ở Syria.

Nhiều vũ khí thu được tại các khu vực do IS kiểm soát có nguồn gốc từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: Syria Times

Trong báo cáo, Bộ Quốc phòng Syria cho biết, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại Syria, một lượng lớn vũ khí và đạn dược do phương Tây chế tạo đã bị thu giữ tại nhiều khu vực khác nhau ở Syria. Và vũ khí của Mỹ cũng được tìm thấy tại nơi ẩn náu của các tay súng Hồi giáo IS và các nhóm khủng bố khác.

Báo cáo chỉ ra, IS và Mặt trận Al-Nursa được cung cấp tên lửa, súng trường, súng máy, vũ khí phòng không, thậm chí cả xe tăng để đổi lấy dầu mà bọn khủng bố lấy được từ các giếng dầu ở những khu vực do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq. Sau khi giải phóng đông Aleppo và nhiều khu vực ở các tỉnh Homs, Hama, Aleppo, và Deir Ezzor từ sự chiếm đóng của IS và Mặt trận Al-Nusra, quân đội Syria đã tìm thấy nhiều vũ khí được sản xuất tại Bulgaria và các quốc gia Đông Âu mà những kẻ khủng bố bỏ lại.

Theo Bộ Quốc phòng Syria, số vũ khí này được mua thông qua các kênh khác nhau và thông qua các Cty ở Đông Âu    có liên kết với các cơ quan tình báo Mỹ và NATO và sau đó chúng được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Saudi Arabia thông qua các cảng Châu Âu thuộc Căn cứ Không quân Rammstein Mỹ tại Đức.    Bản báo cáo cũng tiết lộ, sự chiếm đóng của Israel ở cao nguyên Golan cũng góp  phần cung cấp nhiều loại vũ khí cho Mặt trận Al-Nusra và các nhóm khủng bố khác ở Syria.

Viện trợ cho Quân đội Syria Tự do (FSA)

Báo cáo cũng cho biết, những kênh cung cấp khác bao gồm chương trình viện trợ để hỗ trợ nhóm đối lập ôn hòa FSA, đã được thực hiện từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, những vũ khí này cuối cùng lại đã rơi vào tay những kẻ khủng bố. Nhiều đoạn băng và hình ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy, Mặt trận Al-Nusra sử dụng tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất.

Bộ Quốc phòng Syria cũng lưu ý, tất cả các phiến quân thuộc nhóm FSA được huấn luyện và trang bị vũ khí của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9-2015 sau đó cam kết trung thành với Mặt trận Al-Nusra, và điều tương tự cũng xảy ra với các tay súng được huấn luyện ở Jordan khi chúng cuối cùng đã gia nhập IS. Điều đáng nói là số lượng lớn phần tử thuộc “Phong trào Nour Eddin al-Zinki” được hỗ trợ bởi Mỹ đã gia nhập Mặt trận Al-Nusra sau đó.

Báo cáo nhấn mạnh, những tuyên bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc ngừng hỗ trợ FSA chỉ là một nỗ lực nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế. Báo cáo chỉ ra, tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc Adrian Rankin-Galloway hôm 31-5 khẳng định Mỹ đã cung cấp vũ khí cho FSA dưới cái cớ để giúp đánh bại IS và theo tạp chí Foreign Policy, số vũ khí này trị giá hơn 2 tỷ USD.

Báo cáo dẫn lời Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Lục quân Syria, tướng Ali al-Ali cáo buộc, từ ngày 5 đến 15-9-2017, Mỹ đã gửi 1.421 xe tải viện trợ quân sự cho FSA. Những chuyến hàng này bao gồm 12.000 khẩu AK-46, súng máy, 3.500 khẩu kích cỡ trung bình, 3.000 máy phóng tên lửa, 1.000 máy phóng AT4, 235 máy phóng súng, 100 súng bắn tỉa, và 450 kính nhìn ban đêm, tất cả đều được gửi đến các khu vực do FSA kiểm soát.

Vi phạm luật quốc tế

Bộ Quốc phòng Syria nhấn mạnh, mặc dù Mỹ tuyên bố những vũ khí này được gửi đến Syria để chống lại IS, song chúng rơi vào tay bọn khủng bố vì thiếu sự giám sát về đối tượng tiếp nhận, và Washington cố ý làm điều này vì muốn leo thang cuộc chiến ở Syria. Bộ Quốc phòng Syria cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước Thương mại Vũ khí năm 2014 của LHQ, trong đó cấm xuất khẩu vũ khí nếu chúng có khả năng rơi vào tay khủng bố.

Báo cáo trích Khoản 11 của Hiệp ước Thương mại Vũ khí quy định việc theo dõi vận chuyển vũ khí tới tay người nhận và yêu cầu áp dụng các biện pháp để ngăn chúng không bị thất lạc. Các nước bán vũ khí cho Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Israel không tiến hành đánh giá về những rủi ro tiềm tàng được đề cập ở mục 7 của Hiệp ước, do đó vi phạm luật pháp quốc tế. Vũ khí mà Saudi Arabia mua từ các quốc gia Trung và Đông Âu phần lớn không tương thích với chương trình và trang thiết bị vũ trang của nước này, cho thấy, Riyadh không phải là người cuối cùng sử dụng vũ khí này mà là những kẻ khủng bố ở Syria. Bộ Quốc phòng Syria kết luận, với sự gần gũi về mặt địa lý và việc thiếu giám sát cho phép một số nước hưởng lợi từ buôn bán vũ khí và trong hầu hết các trường hợp, điều này được thực hiện với sự giúp đỡ của Mỹ.

Washington giúp các đồng minh đưa vũ khí đến tay những kẻ khủng bố và cung cấp vũ khí công nghệ cao nhằm leo thang tình hình ở Syria, do đó Washington phải chịu trách nhiệm về việc “góp sức” cho các tổ chức khủng bố ở Syria.

Mỹ bác bỏ

Ngay sau khi bản báo cáo trên được công bố, một đại diện của Lầu Năm Góc cho biết, cáo buộc Mỹ cung cấp vũ khí cho những phần tử khủng bố, đặc biệt là IS và Mặt trận Al-Nusra ở Syria là không đúng sự thật. Đại diện Lầu Năm Góc khẳng định: “Các tuyên bố này thật sự lố bịch và không đúng sự thật. Các lực lượng Mỹ hoạt động ở lãnh thổ Syria theo thẩm quyền nhằm chống lại khủng bố, và họ sẽ tiếp tục cố vấn và hỗ trợ các đối tác chừng nào IS vẫn còn là một mối đe dọa”. 

AN BÌNH (Theo Syria Times)