Khoa học công nghệ giúp phát triển bền vững kinh tế biển
Dù có tiềm năng rất lớn song kinh tế biển vẫn chưa chiếm vai trò chủ đạo, tạo sức bật phát triển cho Vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên biển thiếu kiểm soát đang dẫn tới nhiều mối đe dọa nghiêm trọng về môi sinh, môi trường.
Hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển Vùng duyên hải Nam Trung Bộ do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20-6 đã gợi mở nhiều giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển trong Vùng.
|
Các chuyên gia tham dự hội nghị. |
* Những năm qua Đà Nẵng đã đẩy mạnh các nghiên cứu về biển đảo nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật biển, hiện trạng môi trường biển, sưu tầm các tư liệu về biển đảo để phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Vừa qua, Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phát triển ngành kinh tế biển tới năm 2025 tầm nhìn 2030 với mục tiêu tăng trưởng về dịch vụ kinh tế biển từ 12-15%. Ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |
Môi trường biển suy kiệt
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành đều có biển, chiếm hơn 13% diện tích và 10,5% dân số cả nước. Vùng biển Nam Trung Bộ rộng lớn, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, quy mô kinh tế biển của các địa phương trong Vùng đã thay đổi rõ rệt. Nhiều khu kinh tế ven biển được đầu tư phát triển, tạo cực tăng trưởng mới cho Vùng. Trong đó, dẫn đầu phải kể tới ngành thủy sản (gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nghề cá) đã tạo việc làm ổn định đời sống cho 4% dân số của Vùng. Năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng đạt gần 200 triệu USD, riêng xuất khẩu cá ngừ đại dương của Vùng đạt khoảng 675 triệu USD. Về du lịch, năm 2017 tổng lượng khách quốc tế đến Vùng đạt 6,5 triệu lượt người, khách nội địa gần 20 triệu lượt. Du lịch đã trở thành nguồn thu quan trọng của các địa phương ven biển, trong đó một số điểm đến hấp dẫn tạo được thương hiệu quốc tế như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né... Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế biển trong Vùng đã được đầu tư, cải thiện đáng kể. Cụ thể ngoài 5 khu kinh tế biển, ở Vùng còn nhiều cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông đường bộ Bắc - Nam, các trung tâm du lịch biển đảo, các khu đô thị mới...
Tuy nhiên, PGS Hồi cũng cho biết, kinh tế biển Nam Trung Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên là việc chạy theo lợi nhuận trước mắt, ngắn hạn trong phát triển vẫn còn khá phổ biến. Thứ nữa là cơ sở hạ tầng ven biển còn nhỏ bé, manh mún, thiếu liên kết. Việc đầu tư cơ sở nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển còn hạn chế. Đặc biệt, việc khai thác tài nguyên biển không gắn với tái tạo, môi trường biển biến đổi xấu, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, nguồn thủy sản trong vùng đã giảm 16% so với 10 năm trước nguyên nhân do 60% các nơi cư trú tự nhiên quanh bờ bị tác động xấu. Cũng theo PGS Hồi, gần đây Trung Quốc đã phá hủy khoảng 160km2 đáy biển rạn san hô ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam để xây 7 đảo nhân tạo với tổng diện tích khoảng 1.370ha. Hành động này đã phá hủy vĩnh viễn môi trường ở vùng biển quần đảo này.
|
Việc khai thác hải sản gần bờ thiếu kiểm soát dẫn tới suy kiệt nguồn lợi thủy sản. |
Làm gì để phát triển bền vững?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Nam Trung Bộ là 1 trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Ngành kinh tế biển gồm các khu kinh tế ven biển, các cơ sở chế biến dầu khí, nhiệt điện, hàng hải, thủy sản, du lịch biển đóng góp 10% GDP quốc gia. Để có kết quả trên, vai trò của KHCN trong kinh tế biển rất quan trọng, nhiều công trình đã tập trung nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù vậy, ông Tùng cũng thừa nhận, để phát triển bền vững kinh tế biển còn nhiều khó khăn, từ việc gắn kết phát triển KTXH với bảo vệ môi trường, việc phát huy lợi thế tiềm năng cửa ngõ vươn ra khu vực, việc phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thực tiễn... Một khó khăn khác, theo ông Tùng đó là sự liên kết giữa các vùng miền ven biển, vùng ven biển với vùng nội địa, địa phương có biển và không có biển, giữa các ngành các lĩnh vực với nhau còn chưa hiệu quả. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm, một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức. Đặc biệt phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Từ thực tiễn đó, để phát triển bền vững kinh tế biển, yếu tố then chốt vẫn là KHCN. Cụ thể là ứng dụng KH&CN trong quản lý nguồn tài nguyên biển, trong phát triển các khu kinh tế biển, khai thác thủy sản, hàng hải... TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, hệ sinh thái biển đang suy thoái, cần có các giải pháp khoa học để phục hồi. Theo đó, TS Hà đề xuất rà soát lại các vùng san hô, thảm thực vật biển dọc biển Nam Trung Bộ để tái tạo hệ sinh thái. Phát tán nuôi trồng lại các rạn san hô, thảm thực vật ở nơi có điều kiện phù hợp. “Một trong những giải pháp hỗ trợ tái tạo tự nhiên quần thể sinh vật nguồn lợi là hoạt động thả con giống nuôi vào môi trường tự nhiên nhằm gia tăng sinh khối quần đàn tham gia sinh sản, tăng cường nguồn lợi tự nhiên nhằm tăng quá trình bổ sung nguồn giống được xem là các giải pháp nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi ở nhiều quốc gia trên thế giới” - TS Hà nói.
|
Hệ thống sàn nâng để xuất hàng dăm gỗ lên tàu tại cảng Đà Nẵng. |
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết, cần phải ứng dụng KH&CN tiên tiến trong quản lý, vận hành các hoạt động du lịch, như công nghệ GIS& RS trong kiểm kê tài nguyên để quản lý tài nguyên môi trường. Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị ứng dụng, khai thác hiệu quả CNTT cho phát triển du lịch. Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, phải có qui hoạch, chiến lược phát triển hài hòa du lịch biển, nuôi trồng thủy sản, các khu kinh tế ven biển với bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên biển. Trong đó, cần đánh giá tác động các dự án nghỉ dưỡng dọc biển, nuôi hải sản trên vịnh đầm, các nguồn phát thải xả thẳng ra biển... Thậm chí, việc khai thác hải sản trên biển cũng phải áp dụng các công nghệ mới để không gây tác hại tới môi trường.
Những giải pháp đưa ra tại Hội nghị đã phần nào gợi mở hướng liên kết, quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững vùng biển giàu tiềm năng Nam Trung Bộ để phát triển kinh tế biển.
HẢI QUỲNH