Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ trận "quyết chiến trên sông Hàn"

Thứ sáu, 23/02/2018 13:37

Ông là Phạm Xuân Sanh, đội trưởng Đội đặc công nước 170 tại chiến trường Quảng Đà năm xưa. Đã rất nhiều lần gặp và viết về ông, về những chiến công của các chiến sỹ đặc công nước Quảng Đà lừng lẫy một thời, nhưng mỗi lần gặp, lại tự thấy những gì mình biết, mình viết còn quá ít ỏi so với kho tư liệu mà Phạm Xuân Sanh đã từng trải qua. Với ông, mỗi lần nhắc đến đồng đội, đến cuộc đời binh nghiệp của mình đều là những câu chuyện mới, đầy sinh động, trong đó chất chứa cả niềm tự hào và nỗi đau không hề nguôi...Ông Phạm Xuân Sanh kể rằng, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, do Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung của Mỹ - ngụy nên sau khi hoàn hồn, địch phản kích điên cuồng, bỏ chiến lược "tìm và diệt" không còn hiệu quả sang chiến lược "quét và giữ" nhằm tiêu diệt quân chủ lực ta, đẩy quân ta ra xa nhằm củng cố vững chắc vành đai phòng thủ xung quanh Đà Nẵng.

Về phía ta, tuy giành được một số thắng lợi lớn nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra và hao tổn khá nhiều về lực lượng. Theo chỉ thị của Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà, các đơn vị, địa phương nhanh chóng củng cố sắp xếp lực lượng theo hướng tinh gọn, bổ sung vũ khí, trang bị sẵn sàng chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo. Ngày 5-5-1968, chiến dịch Hè mở màn (mật danh X1), tiếng súng nổ tiến công tiêu diệt các căn cứ, chi khu quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng đã tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm suy sụp tinh thần của Mỹ, ngụy tại Quảng Đà. Liên tiếp bị thất bại, địch huy động hết ưu thế về phương tiện và vũ khí để đánh phá, bình định kiểm soát, san bằng cày ủi, lập hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra từ Bắc Hòa Vang qua Điện Bàn đến thị xã Hội An. Tuy nhiên, những hoạt động của địch chỉ mang tính phòng thủ chứ không giành được thế chủ động trên chiến trường.

Ba chiến sỹ đặc công nước Đoàn 126 Hải quân đầu tiên có mặt tại chiến trường Quảng Đà (Phạm Xuân Sanh, Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Tấn Minh, từ trái qua).

 

"Phát huy hiệu quả chiến dịch Hè 1968, Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 quyết định mở tiếp chiến dịch Thu 1968 (mật danh X2). Trong chiến dịch này, các đơn vị bộ binh, đặc công kết hợp lực lượng vũ trang địa phương đánh mạnh, đều khắp trên vành đai Đà Nẵng, một số đơn vị đặc công gọn nhẹ đột nhập nội thành, phối hợp với tự vệ, biệt động đánh vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ, ngụy", ông Phạm Xuân Sanh thuật lại. Thời điểm này, Phân đội đặc công nước do đồng chí Nguyễn Tấn Minh làm Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Ngọc Râng, Phân đội trưởng đang trú quân ở khu vực Điện Nam (vùng cát Điện Bàn); còn Phạm Xuân Sanh là trợ lý tác chiến, quân lực nhận được lệnh phải đánh sập cầu Trịnh Minh Thế trên sông Hàn (cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý ngày nay). Để đánh sập 2 cầu cùng một lúc, Phân đội bố trí thành 2 tổ, mỗi tổ 3 chiến sĩ, chuẩn bị khối nổ 60 kg C4. Tổ 1 do đồng chỉ Huỳnh Tào làm Tổ trưởng, Tổ 2 do đồng chí Nguyễn Sơn làm Tổ trưởng. Mọi công tác khảo sát địa bàn, chuẩn bị khối nổ và nơi tập kết, đường rút lui sau khi hoàn thành nhiệm vụ... được tổ chức triển khai công phu, kỹ lưỡng. Địa điểm tập kết là xóm vạn Cồn Bồi (là một cồn cát giữa sông Hàn, cách cầu Trịnh Minh Thế gần 2 km về phía thượng lưu). Gọi là xóm vì trên cồn cát có chừng 30 nhà chòi của ngư dân bị địch dồn lại ở đây để dễ bề kiểm soát.

"Trong thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đều không gặp sự cố gì, kể cả lần trinh sát cuối cùng vào mục tiêu đêm 16-8-1968. Các thành viên của 2 tổ chiến đấu ai nấy đều tràn đầy phấn khởi, tin tưởng vào chiến thắng ngay trong đêm 17-8, mở màn cho chiến dịch X2 Thu 1968. Tuy nhiên mọi chuyện không diễn ra theo như ý muốn. 15 giờ ngày 17-8, kế hoạch bại lộ, địch huy động hàng chục ca nô chở đầy lính ngụy từ phía hạ lưu rẽ sóng tiến về xóm vạn Cồn Bồi. Biết tình thế nguy hiểm xảy ra, Phân đội trưởng Nguyễn Ngọc Râng lập tức ra lệnh cho 2 tổ quyết chiến đến cùng", Phạm Xuân Sanh kể. Cuộc chiến đấu của 2 tổ đặc công nước với hàng trăm tên địch diễn ra vô cùng ác liệt, từ lựu đạn, đến súng AK và cuối cùng là dao găm đánh giáp lá cà... Sau 20 phút giao tranh, do tương quan lực lượng và phương tiện, trang bị vũ khí quá chênh lệch, 7 chiến sỹ đặc công nước đã anh dũng hy sinh, cùng với đó là gần 40 xác quân địch nằm ngổn ngang trên xóm vạn Cồn Bồi...

Đã 50 năm trôi qua, cái xóm cồn cát đơn độc giữa sông Hàn ngày ấy, trải qua năm tháng Cồn Bồi bị xoá lở, ngày càng thu nhỏ lại. Tuy nhiên với những người, như ông Phạm Xuân Sanh hay Nguyễn Tấn Minh, đây là nơi ghi dấu sự chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của 7 chiến sĩ đặc công nước của Đội 3 năm xưa.

Riêng với Phạm Xuân Sanh, người đội trưởng Đội 170 chỉ huy đánh hàng loạt trận vào các cứ điểm quan trọng của địch tại chiến trường Quảng Đà làm cho Mỹ, ngụy hết sức cay cú; người đã từng bị Mỹ, ngụy đưa vào diện "đặc biệt nguy hiểm" cần phải tiêu diệt bằng tuyên bố: "Ai bắt được Quách Sanh (biệt danh của Phạm Xuân Sanh - PV), Đội trưởng người nhái Bắc Việt sẽ được thưởng 100 ngàn USD" thuở ấy; người tưởng như có "tinh thần thép" ấy vẫn thường rơi nước mắt mỗi khi nghĩ về đồng đội mình.

"Được sống đến ngày hôm nay, được chứng kiến cảnh đất nước, thành phố đổi thay từng ngày từng giờ, chúng tôi cảm thấy những hy sinh, đóng góp của mình và đồng đội được đền đáp xứng đáng. Chỉ có điều, trong mỗi chúng tôi luôn canh cánh nỗi niềm là làm sao  tìm được đồng đội, đưa họ về với mảnh đất thân yêu để có điều kiện khói hương, chăm sóc. Nỗ lực là vậy, song hy vọng tìm được không nhiều, bởi hầu hết chiến sỹ đặc công nước hy sinh, thân xác họ không còn nguyên vẹn, thậm chí đã bị hòa tan dưới làn nước biếc, nằm mãi mãi trong lòng sông mẹ", Đội trưởng Phạm Xuân Sanh nghẹn ngào...

                              D.Hùng (ghi)