Phát triển bền vững
(Cadn.com.vn) - Mới đây, ngay sau khi một nhà đầu tư tạm ngừng hoạt động dự án khai thác khoáng sản, một số doanh nghiệp cùng với chính quyền địa phương nọ phải tiến hành ngay các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân. Cứu trợ là quá đúng rồi, nhưng hình như ở đây có gì không ổn?
Từ rất lâu rồi, người ta đã nhận ra rằng, đào tài nguyên trong lòng đất lên để bán là hạ sách. Bởi lẽ, tài nguyên đó phải mất hàng nghìn, hàng triệu năm mới tái sinh được, thậm chí không thể tái sinh được, nên thế hệ mai sau sẽ không còn gì để đào nữa. Thêm vào đó, việc bán tài nguyên thô không thể nào đem lại lợi ích tối đa, không đem lại nhiều giá trị gia tăng... Lý thuyết là vậy, nhưng nhiều nơi vẫn phải đào, đơn giản là vì họ không có quá nhiều lựa chọn.
Vấn đề đặt ra là, đào lên bán rồi sao nữa?
Viễn cảnh lạc quan nhất có lẽ là thế này: Nhà nước thu được tiền, dùng tiền đó để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết an sinh xã hội, thực hiện các chiến lược phát triển dài hạn, bảo đảm rằng sau khi hết tài nguyên thì KT-XH địa phương phát triển lên một tầm cao mới; về phía người dân, trước mắt có được công ăn việc làm, tích lũy được một phần tài sản để đầu tư cho con cái, đồng thời tiếp thu khoa học công nghệ, kỹ năng làm việc để phát triển bản thân, vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội... Nói tóm lại, sau khi bán tài nguyên, bộ mặt KT-XH địa phương và đời sống của người dân được cải thiện. Thế nhưng, viễn cảnh đó có vẻ giống một giấc mơ hơn là điều thực tế, mà hệ lụy nhãn tiền ở địa phương nọ là một lời cảnh báo khá rõ ràng, nghiêm khắc: Ngay khi chủ đầu tư tạm dừng hoạt động, nhiều cư dân địa phương không những chưa tích lũy được gì mà còn lâm ngay vào cảnh thất nghiệp, nợ nần, đói kém...
Thực tế trên dường như cho thấy, địa phương đó chưa có sự chuẩn bị hiệu quả trong việc khai thác tài nguyên, chưa ai lường trước hệ lụy. Giả sử không phải hôm nay mà vài năm, vài chục năm nữa nhà đầu tư mới dừng khai thác tài nguyên thì vấn đề sẽ ra sao? Liệu lúc đó tình hình sẽ là viễn cảnh lạc quan nêu trên hay cái nghèo, cái khó vẫn ngự trị ở vùng vàng với vô vàn lời oán thán, trách móc? Có lẽ, lúc này không thể trả lời một cách dứt khoát câu hỏi đó. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu ngay từ đầu không có một sự chuẩn bị thực sự nghiêm túc, rõ ràng, hiệu quả... thì việc gánh chịu hậu quả bất lợi trong tương lai là điều khó tránh.
Vài năm trở lại đây, các nhà hoạch định dần quen với việc đưa cụm từ “phát triển bền vững” vào các kế hoạch phát triển KT-XH. Tất nhiên, việc sử dụng cụm từ ấy trong các văn bản thì đơn giản hơn nhiều so với triển khai nó trong thực tiễn.
Không khó để chỉ ra rằng, tại những nơi mặc dù có đặt ra mục tiêu phát triển bền vững nhưng thực tế tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái bị khai thác thiếu bền vững, thậm chí đứng bên bờ vực những thảm họa. Đơn cử, tỉnh, thành miền Trung nào cũng có đặt ra mục tiêu phát triển bền vững cả nhưng hàng loạt nhà máy thủy điện ở khu vực này đã và đang giết chết không ít cánh rừng nguyên sinh, dòng sông..., và đặt đời sống của hàng triệu người trước diễn biến khó lường của dòng nước lúc hung hăng lúc khô kiệt. Hay như chuyện khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương, liệu có cơ sở để tin rằng, các dự án luôn đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững?...
Đã qua từ lâu cái thời con người ta tin ở chuyện rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu, tài nguyên phong phú... Giờ đây, ai cũng biết chắc rằng, tài nguyên không thể cứ đào lên bán mãi được mà phải sử dụng hết sức khôn ngoan, nếu không sẽ phải đánh đổi cả tương lai chỉ vì miếng ăn trước mắt, ngay khi hết tài nguyên, tất cả sẽ tan biến, nếu không nói là tệ hại hơn. Để làm điều đó, tức là để có một tương lai tương đối chắc chắn, khả dĩ tốt hơn, liệu còn lựa chọn nào khác con đường phát triển bền vững? Tất nhiên, bền vững ở đây không phải là những mỹ từ trong các văn bản mà phải là những tiêu chí, những hành động hết sức rõ ràng, dứt khoát.
Nguyễn Lê