Báo Công An Đà Nẵng

“Săn” cua đồng

Thứ ba, 13/04/2021 20:28

Trong màn đêm, nhìn anh Nguyễn Văn Hồng (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) với chiếc đèn soi đội đầu, thoăn thoắt dọc theo các kênh mương nội đồng ven đường liên xã Hòa Tiến - Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thu lừ bát quái, chúng tôi hiểu rõ hơn về cách đánh bắt cua đồng của loại lừ này.

Người làm nghề “săn” cua đồng vất vả mưu sinh trong đêm.

Lừ bát quái có giá hơn 200 ngàn đồng/chiếc, dài 6-8m, mỗi mắt lưới có một lỗ nhỏ để cua chui vào, tuy nhiên, cửa vào của nó lại được thiết kế lệch nên khi cua bò vào rồi thì khó có đường ra. Mỗi lừ bát quái anh Hồng thu được khoảng 20-30 con cua to cỡ 2-3 ngón tay. Tuy nhiên, nghề “săn” cua cũng dễ gặp nguy hiểm, vì ban đêm trên các cánh đồng nhiều côn trùng xuất hiện, kể cả rắn độc… nên người làm nghề phải luôn cẩn thận.

Bắt đầu cho một đêm mưu sinh, khoảng 17 giờ, anh Hồng chở theo 10 chiếc lừ bát quái, 1 thùng nhựa có nắp đậy và chạy xe từ trong quê ra để đặt lừ dọc theo kênh mương trên các cánh đồng. Sau đó quanh quẩn ở quán cà-phê chờ đến lúc trời tối mịt quay lại thu lừ về nhà cho kịp trong đêm. Còn đánh bắt gần nhà thì sáng sớm hôm sau mới ra đồng thu lừ… Cũng như anh Hồng, anh Trần Soạn (xã Duy Hòa) chia sẻ, xong một ngày leo giàn giáo làm thợ nề, đêm đến là nhiều anh em trong làng rủ nhau ra đây “săn” cua đồng. Nghề này thức đêm hôm vất vả nên người dân ngoài khu vực này chẳng “mặn mà” nên cua nhiều... Anh Soạn cho biết thêm: “Thời điểm này, cua đồng bán được giá, thương lái đến tận nhà thu mua 50 ngàn đồng/kg nên nhiều người tranh thủ thời gian nhàn rỗi, đêm đêm dạo trên các cánh đồng để bắt cua. Mỗi tối bỏ ra từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ, nếu may mắn có thể bắt hơn 10kg cua”.

Hiện nay, vụ lúa Đông - Xuân các nơi đang chín tới, mực nước ở chân ruộng thấp dần, không chịu được dòng nước ấm nên cua phải bò vào hang ổ xung quanh đợi đến đêm bò ra kênh mương tưới tiêu tìm nguồn thức ăn. Cua đồng thường có 2 loại, loại cua mai màu vàng và loại màu tím to càng. Cua đồng màu vàng được thương lái ưa chuộng hơn do thịt mềm, thơm ngon; cua tím to càng là loại cua ngoại lai mới xuất hiện gần đây, ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển cây lúa. Còn khi ruộng đồng cày dỡ vào vụ mùa mới, việc bắt cua trở nên đơn giản hơn, người “săn” cua không cần đặt lừ mà chỉ bắt bằng tay, thịt cua lúc này con nào cũng béo ngậy, người tiêu dùng cũng chẳng ngại dư lượng thuốc trừ sâu...

Những năm trước cua nhiều, giá rẻ nên nghề này thu nhập không ăn thua so với công sức bỏ ra. Giờ đồng ruộng bị thu hẹp dần, nhưng cứ đến mùa nắng nóng thì nhu cầu ăn cua đồng lại nhiều. Nếu làm mà biết tiết kiệm thì nghề “săn” cua đồng cũng chẳng thua kém nghề nào, nhưng phải chịu khó lội xuống kênh mương, áo quần lấm lem bùn đất. “Cũng nhờ nghề “săn” cua đồng, cuộc sống của nhiều người nông dân ở quê tôi ngày thêm ổn định. Cua đồng đắt giá hơn cua nuôi nhưng nhiều khách hàng vẫn chọn mua để chế biến các món ăn dân dã như bún riêu, nấu canh rau muống, mồng tơi… vì đây là thực phẩm sạch, rất tốt cho sức khỏe”, anh Hồng vui vẻ nói.

VY HẬU