Báo Công An Đà Nẵng

Syria bầu cử tổng thống

Thứ năm, 27/05/2021 09:29

Sáng 26-5 (giờ địa phương), hàng triệu cử tri Syria đã đi bỏ phiếu để bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập, cũng như sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố, đã đẩy Syria vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng. 

Một phụ nữ bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Damascus.  Ảnh: Reuters

Ông al-Assad sẽ tái đắc cử?

Theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử Syria, có tổng cộng 51 ứng cử viên đã gửi đơn đăng ký tham gia tranh cử. Tuy nhiên, chỉ có 3 ứng cử viên được lựa chọn, gồm đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (55 tuổi), cựu Thứ trưởng Nội các Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - lãnh đạo một đảng đối lập nhỏ theo đường lối ôn hòa tại Syria. 48 ứng cử viên khác đã bị Quốc hội từ chối, vì mỗi ứng viên trong số này không đáp ứng được điều kiện ứng cử là phải có được sự ủng hộ của khoảng 35 đại biểu Quốc hội Syria.

Bộ trưởng Nội vụ Syria Mohammad al-Rahmoun cho biết, khoảng 18 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu tại hơn 12.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước. Trước đó, ngày 20-5, các công dân Syria ở nước ngoài đã bỏ phiếu tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này

Giới phân tích tại Trung Đông nhận định, đương kim Tổng thống Bashar al-Assad, người lên nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 2000, sẽ giành chiến thắng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư kéo dài 7 năm. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2014, ông al-Assad đã giành chiến thắng với hơn 88% số phiếu bầu. Trong lần tranh cử này, Ông al-Assad đã xây dựng chương trình tranh cử bao gồm nhiều mục tiêu nhằm tái thiết đất nước.

Kỳ vọng tái thiết đất nước

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xung đột dai dẳng giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập cũng như sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố đã đẩy đất nước Syria vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội và nhân đạo.

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người Syria, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,5 triệu người đi sơ tán ở trong nước và 5,6 triệu người phải tị nạn tại các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập. Sau hơn 10 năm nổ ra nội chiến, 13,4 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Nhiều hộ gia đình không thể tiếp cận các loại lương thực cơ bản vì giá lương thực đã tăng 250% trong năm ngoái do đồng nội tệ mất giá và nguồn cung lương thực khan hiếm.

Nền kinh tế Syria đã bị tàn phá nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đã giảm từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn hơn 21 tỷ USD năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 50% và 80% dân số hiện sống ở dưới mức nghèo khổ. Theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), xung đột vũ trang đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD cho Syria. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, khoảng 45% số nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa số cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Chi phí cho công cuộc tái thiết tại Syria ước tính lên tới 250 tỷ USD.

Hiện nay, bên cạnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây vốn đã cản trở các hoạt động đầu tư và tái thiết đất nước, Syria cũng đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19.

Đưa ra khẩu hiệu "Hy vọng thông qua lao động", ông Bashar al-Assad muốn khẳng định nỗ lực tái thiết đất nước. Đây là công việc nhà lãnh đạo Syria tập trung đẩy mạnh suốt thời gian qua. Nếu tiếp tục đắc cử, Tổng thống Bashar al-Assad cũng sẽ ưu tiên các cuộc đàm phán sửa đổi Hiến pháp. Đây vốn là một giải pháp chính trị quan trọng giúp khép lại cuộc chiến tại Syria, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc tái thiết đất nước. Trong bối cảnh như hiện nay, để thực hiện mục tiêu tái thiết đất nước, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự tín nhiệm và tin tưởng của người dân sẽ là động lực lớn giúp ông hoàn thành sứ mệnh nếu tiếp tục đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Mỹ và đồng minh tẩy chay

Hôm 25-5, Mỹ cùng 4 quốc gia Châu Âu, gồm Anh, Pháp, Đức và Italia đã lên tiếng bác bỏ cuộc bầu cử tổng Syria, cho rằng đây là cuộc bầu cử không tự do, không công bằng. Trong một tuyên bố chung, 5 nước này tố cáo chính quyền của ông al-Assad quyết định tổ chức cuộc bầu cử "không thuộc khuôn khổ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ", đồng thời nhấn mạnh "ủng hộ tiếng nói của tất cả người dân Syria, bao gồm các tổ chức xã hội dân sự và phe đối lập Syria, những người đã lên án cuộc bầu cử này là bất hợp pháp".

Mỹ và 4 quốc gia Châu Âu cho rằng, các cuộc bầu cử tự do và công bằng nên được triệu tập dưới sự giám sát của LHQ và tất cả người Syria nên được phép tham gia. Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Nếu không có những yếu tố đó, cuộc bầu cử này không thể hiện được bất kỳ tiến bộ nào hướng tới một giải pháp chính trị".

AN BÌNH