Báo Công An Đà Nẵng

Tái diễn tình trạng lừa đảo qua mạng Internet

Thứ sáu, 04/09/2020 15:14

Cuối tháng 8-2020, chị Trần Thị L. (30 tuổi, trú TP Huế, TT-Huế) đến Cơ quan điều tra CATP Huế  trình báo, thông qua tài khoản facebook, chị kết bạn với tài khoản có tên là “Letter Huang”. Người này giới thiệu đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ và hứa chuyển cho chị L. một món quà. Chị L. nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ với nội dung phải chuyển 800 USD vào một tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn để được nhận một món quà rất giá trị từ nước ngoài gửi về. Tin lời, chị L. đã vào ngân hàng chuyển số tiền hơn 18,5 triệu đồng. Tiếp đó, chị L. nhận được nhiều tin nhắn khác thông báo, quà đang bị hải quan và an ninh sân bay tạm giữ cần phải chuyển thêm tiền để được nhận quà. Chị L. đã nhiều lần chuyển khoản ngân hàng với tổng số tiền hơn 84 triệu đồng. Đến khi không còn tiền để chuyển, chị L. nghi mình bị lừa nên đến trình báo CA.

Một nạn nhân bị lừa qua mạng trình báo tại cơ quan CA.

Với thủ đoạn tương tự, mới đây, chị Trương Thị M. (25 tuổi, trú TT-Huế) đến cơ quan CA trình báo về việc chị kết bạn với một người thông qua mạng xã hội Skype. Người này giới thiệu là người Mỹ, hiện đi lính tại Syria và đang bị thương, dự định sẽ về Việt Nam sinh sống. Tiếp đó, chị M. nhận được tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội của người này đang gửi 1 bưu phẩm rất có giá trị từ nước ngoài về Việt Nam và nhờ chị nhận giúp. Hiện, bưu phẩm nhân viên Hải quan đang giữ phải nộp các khoản phí để nhận. Chị M. đã 6 lần chuyển khoản cho các đối tượng tự xưng là nhân viên Hải quan với số tiền hơn 131 triệu đồng. Và, sau nhiều ngày chờ đợi nhưng quà vẫn không đến tay nên chị M. đã đến trình báo với cơ quan CA.

Hay như gần đây nhất, chị Nguyễn Thị T. (19 tuổi, trú P. An Hòa, TP Huế) nhận được tin nhắn từ facebook của chị ruột đang sinh sống ở Nhật Bản. Nội dung tin nhắn là chị gái đang có một người bạn Việt Nam sống tại Nhật Bản có người nhà đang nằm viện tại Việt Nam và cần tiền gấp. Để chuyển tiền về Việt Nam mất thời gian nên nhờ chị T. chuyển giúp 30 triệu đồng cho người nhà bạn của chị gái có tên là Nguyễn Ngọc Vũ, số tài khoản 2230100687968, ngân hàng MB Bank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Sau khi chị T. đến ngân hàng chuyển khoản 30 triệu đồng thì tin nhắn từ facebook của chị gái tiếp tục nhờ chuyển 50 triệu đồng. Trong lúc chị T. về nhà lấy tiền để chuyển thì được chị gái từ Nhật Bản thông báo facebook của chị bị chiếm đoạt quyền sử dụng (bị hack) nên chị T. đến trình báo CA.

Tương tự, chị M.L. (51 tuổi, trú xã Lộc Bổn, H. Phú Lộc, TT-Huế) sau khi mua hàng tạp hóa của người cháu với số tiền 60 triệu đồng thì tài khoản của người cháu bị hack. Sau đó, đối tượng chiếm đoạt facebook này đã nhắn cho chị M.L. yêu cầu chuyển số tiền hơn 60 triệu đồng theo số tài khoản đối tượng cung cấp. Chị M.L. tin là thật nên đã thực hiện theo yêu cầu. Đến 10 ngày sau, người cháu này gọi cho chị M.L. để hỏi lấy số tiền hàng hơn 60 triệu đồng thì chị M.L. mới tá hỏa vì biết mình mắc lừa.

Đại úy Lưu Thanh Tùng- Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài thuộc Phòng CSHS CA TT-Huế cho rằng, mặc dù thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng không mới, đã được các cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông khuyến cáo nhưng rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin, hám lợi… bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng theo Đại úy Tùng, từ đầu năm 2020 đến nay, CA các địa phương và các phòng nghiệp vụ thuộc CA TT-Huế đã tiếp nhận hàng ngàn đơn trình báo của bị hại bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng mạng viễn thông, Internet chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Các đối tượng người Nigeria này đã lừa đảo hàng ngàn bị hại thông qua các mạng xã hội.

Theo cơ quan điều tra, qua xâu chuỗi các vụ án và trình báo của các bị hại cho thấy, các đối tượng thường sử dụng 6 thủ đoạn sau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Nhận được quà giá trị lớn từ người nước ngoài quen qua mạng xã hội gửi về Việt Nam, yêu cầu bị hại đóng các khoản phí để được nhận; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo cho bị hại có liên quan đến các vụ án để hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Hack (chiếm đoạt) quyền sở hữu tài khoản facebook, zalo... để giả mạo người thân quen mượn tiền, nhờ thanh toán các đơn hàng, nộp card điện thoại...; thông qua các giao dịch mua bán online, chuyển tiền, đổi ngoại tệ các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyển cộng tác viên, đại lý bán hàng và yêu cầu bị hại đặt cọc tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại hoặc nhắn tin thông báo trúng thưởng từ nhà mạng hoặc các công ty, yêu cầu bị nộp card điện thoại, chuyển tiền để làm các thủ tục nhận trúng thưởng.

Trung tá Lê Thanh Phong- Đội trưởng Đội CSHS CATP Huế cho biết, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận quà có giá trị lớn từ nước ngoài gửi về thông thường bị hại bị chiếm đoạt tài sản rất lớn vì tin quà đã về nên sẵn sàng nộp các khoản phí để được nhận quà; đối với thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án bị hại cũng bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn vì “cán bộ giả danh” này khẳng định sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản cơ quan chức năng để kiểm tra nếu bị hại không liên quan đến các vụ án thì số tiền này ngay lập tức sẽ hoàn lại cho bị hại.

Để phòng ngừa với loại tội phạm này, người dân hết sức nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tuyên truyền nhắc người thân, mọi người xung quanh về thủ đoạn của các đối tượng. Khi phát hiện hoặc nghi vấn có đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nhanh chóng báo cho cơ quan CA nơi gần nhất để kịp thời xử lý, bắt giữ đối tượng.

HẢI LAN