Báo Công An Đà Nẵng

Thông điệp bảo vệ môi trường

Thứ năm, 20/04/2017 10:21

(Cadn.com.vn) - Rác thải, vật dụng bỏ đi qua những bàn tay khéo léo đã cho ra các sản phẩm, vật dụng hữu ích trong cuộc sống hằng ngày, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường sống.

Cuối tháng 3 vừa qua, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức thành công liên hoan “Bé khỏe, bé ngoan năm học 2016-2017”. Lồng ghép trong chương trình là phần thi bé trình diễn thời trang về bảo vệ môi trường, trang phục được các cô giáo tự thiết kế về các chủ đề biển đảo, môi trường, an toàn giao thông... được tận dụng từ nguyên vật liệu tái chế và tận dụng trong thiên nhiên. Các tiết mục thật sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Để có được những bộ trang phục từ rác, các cô giáo đã lên phương án, vẽ phác thảo, cắt ghép, thiết kế để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo về nghệ thuật và có ý nghĩa tuyên truyền hiệu quả.

Những bộ thời trang từ rác, đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường. 

Cũng từ ý tưởng tuyên truyền bảo vệ môi trường, rất nhiều chương trình, buổi biểu diễn thời trang bằng vật liệu tái chế được trình diễn trong các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh viên trên địa bàn thành phố như Go Green, S Club, Công tác Xã hội Sư phạm, Hand in Hand... Hay thông điệp bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chương trình kỹ năng, hội trại của đoàn viên thanh niên, tái chế, sử dụng các loại rác thải được các bạn hưởng ứng có hiệu quả.

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT luôn đẩy mạnh phong trào làm đồ dùng dạy học ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Rất nhiều sản phẩm được tận dụng từ những vật dụng đã bỏ đi và dễ kiếm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như ống nhựa, giấy vụn, vỏ lon, chai nhựa, vải vụn... đã khiến các tiết học trở nên sinh động và hiệu quả. Chỉ từ những phế liệu đó, qua đôi bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non đã trở thành những con vật, đồ chơi sống động, khơi gợi niềm hứng thú và góp phần giáo dục phát triển vận động tính khéo léo của trẻ.

Cô Trần Thị Hồng Hà (trường Mầm non Hòa Tiến 2, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chia sẻ, để làm ra được những sản phẩm, đồ chơi, đồ dùng dạy học từ phế liệu, đòi hỏi các cô giáo phải có lòng đam mê, yêu trẻ và có tinh thần trách nhiệm cao. Không chỉ suy nghĩ để làm ra những sản phẩm mới có tính thực tiễn cao, mà từ những sản phẩm tái chế đó, giáo viên phải truyền đi được thông điệp bảo vệ môi trường, để các cháu nhận thức được tầm quan trọng của môi trường sống. Được tận mắt nhìn hình ảnh ngộ nghĩnh như con chó, mèo, bò sữa, chú thỏ, đàn gà, cá, tôm, cua làm từ những tấm bìa cứng, mo cau, tre nứa... mới thấy hết sự sáng tạo của các cô giáo.

Một mô hình dạy học được tạo hình từ giấy bìa cứng. 

Bằng sự sáng tạo của mình, không ít các em học sinh, sinh viên đã “biến hóa” những vật dụng phế thải thành đồ dùng, sản phẩm trang trí hết sức hữu ích như bình hoa, đèn ngủ, lọ đựng bút. Từ những mảnh giấy vụn, bìa cứng và thanh tre bỏ đi, các bạn sinh viên Đội Công tác Xã hội ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã sáng tạo ra rất nhiều mẫu lồng đèn dễ thương, những bó hoa giấy hay tấm thiệp xinh xắn.

Những sản phẩm tạo ra từ rác như bức thông điệp bảo vệ môi trường đến với mọi người.

Thanh Hoa