20 năm ấy biết bao nhiêu tình! (2)
* Bài cuối: Chia tỉnh không... chia tình
(Cadn.com.vn) - Ở nước ta từng diễn ra nhiều cuộc chia tách tỉnh, song cuộc chia tách Quảng Nam- Đà Nẵng rất đặc biệt, chia mà không tách, "ra riêng" nhưng vẫn là con một nhà, cả người đi kẻ ở đều có dự cảm tốt đẹp đang chờ phía trước...
![]() |
Cầu Trần Thị Lý (cũ) khi được tháo dỡ xây cầu mới, các dầm cầu đã được vận chuyển vào xây cầu Cẩm Lý ở Điện Bàn- Quảng Nam. |
Phải vì cả hai
Chính vì đòi hỏi mang tính khách quan của lịch sử, như sự thôi thúc từ bên trong, có lẽ không người Quảng nào ở thời điểm đó không đồng tình với sự chia tách để hướng đến mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề chia tách thì có 2 quan điểm. Thứ nhất, TP Đà Nẵng "cấp huyện" tách ra khỏi tỉnh QN-ĐN, bộ máy nhân sự vẫn như cũ. Quan điểm thứ hai là tỉnh QN-ĐN tách thành 2 đơn vị hành chính thuộc T.Ư trong đó một thực thể gồm TP Đà Nẵng và một số huyện. Quan điểm thứ 2 dễ đồng thuận hơn, nhưng cụ thể những huyện nào cùng với Đà Nẵng thành đơn vị hành chính mới được bàn thảo rất nhiều. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An kể, có quan điểm lấy phía Bắc sông Thu Bồn gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... gộp vào Đà Nẵng, Hòa Vang, Hoàng Sa thành đơn vị hành chính mới. Nếu chọn phương án như thế những gì còn lại của Quảng Nam quá "xương xẩu", vì vậy phải chọn quan điểm dễ đồng thuận, chứ đưa ra phương án gai góc quá, phải tranh luận, chờ đợi, cơ hội sẽ trôi qua. Rất mừng là lúc đó đồng chí Mai Thúc Lân, Trương Quang Được và các đồng chí thường vụ Tỉnh ủy đều tập trung tạo đồng thuận. Nhờ sự nhất trí cao đó mà việc chia tách diễn ra tốt đẹp hơn những gì trước đó nhiều người tưởng tượng, không có bất cứ chuyện gì đáng phiền, đáng trách. Đà Nẵng với tư cách TP thuộc T.Ư gồm cả Hòa Vang và Hoàng Sa. "Ở đất nước mình cũng diễn ra chia tách tỉnh nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu việc chia tách êm đẹp như QN-ĐN"- ông An nhận định.
Còn theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, khi chia tách tỉnh, nói Quảng Nam khó khăn, chủ yếu là khó khăn về cán bộ, hạ tầng đô thị đối với thủ phủ mới Tam Kỳ. Còn Quảng Nam vẫn có những thuận lợi cơ bản, như Hội An, Mỹ Sơn, 2 Di sản thế giới đó vẫn thuộc Quảng Nam, xét về phương diện hạ tầng du lịch thì Quảng Nam có lợi thế hơn Đà Nẵng. Ông Tiếng cũng cho rằng, sau chia tách, chính ra những thành tựu về học thuật trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa chủ yếu ở Quảng Nam. Mặt khác, trước giải phóng Tam Kỳ vẫn là thủ phủ một tỉnh. Về giáo dục, nếu Đà Nẵng có Trường Phan Châu Trinh thì Tam Kỳ có Trường Trần Cao Vân cũng nổi tiếng. Lúc chia tách Đà Nẵng chưa có thương hiệu gì nổi bật thì Tam Kỳ có trà Mai Hạc chẳng hạn, rất nổi tiếng. Cho nên nói Quảng Nam yếu thế vì thủ phủ tỉnh cũ thuộc về Đà Nẵng chứ trên nhiều phương diện vẫn lợi thế hơn, ít nhất là phương diện văn hóa. Từ phân tích đó, ông Tiếng cho rằng việc chia tách tỉnh là vì cả Quảng Nam nữa chứ không phải vì riêng Đà Nẵng.
![]() |
Mỗi năm Đà Nẵng vẫn dành 20 chỉ tiêu tuyển học sinh Quảng Nam vào Trường Lê Quý Đôn. |
Chia mà không tách
Những cuộc họp phiên cuối cùng của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh QN-ĐN lúc bấy giờ rất đặc biệt, chỉ dành để nói chuyện chia tách và chỉ để truyền đạt tinh thần "chia tỉnh không chia tình", "chia mà không tách" cho tất cả cán bộ, từ người ở lại hay người ra đi. Tại kỳ họp HĐND cuối cùng của tỉnh QN-ĐN, bài phát biểu của ông Nguyễn Đình An với tư cách Chủ tịch UBMTTQ tỉnh lúc đó đã gây xúc động cho nhiều cán bộ và người dân. Bài phát biểu nhấn mạnh đến sự gắn bó keo sơn, ruột thịt giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, về sự đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, về tinh thần ra riêng nhưng vẫn là con một nhà, cùng chung một mẹ. Cũng trong bài phát biểu đó, ông Nguyễn Đình An nhắc đến chi tiết khi chia tách tỉnh, toàn bộ số tiền còn lại khoảng 1 tỷ đồng của tỉnh QN-ĐN sẽ được chuyển hết cho Quảng Nam để cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiếu đói dịp tết và giáp hạt. Sự đóng góp đó là khiêm tốn song vào thời điểm ấy hợp với đạo lý thủy chung của dân tộc.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng kể rằng, biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần chia mà không tách, là kỳ Đại hội Đảng bộ, HĐND tiếp theo cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều lấy số thứ tự tiếp theo của kỳ Đại hội, HĐND tỉnh cũ, như một sự kế thừa, tiếp nối. Bên cạnh đó, khi chia tách tỉnh cũng dành ưu tiên, nhường cái thuận lợi cho Quảng Nam, lúc đó yếu thế hơn trong phát triển. Chẳng hạn nếu cơ quan có một chiếc ô-tô thì dành cho người về Quảng Nam. Rồi những cán bộ trẻ khỏe, nam thì được phân công vào Quảng Nam. Cán bộ nữ, người già yếu thì ở lại Đà Nẵng, vì thế mới có câu "Đà Nẵng quản nữ, Quảng Nam là quản nam". Tất cả đều nói lên tinh thần tuy hai mà một.
Về tình cảm, người Quảng không nghĩ có ngày chia tách, nhưng việc chia tách chỉ là địa giới hành chính nên cả 2 bên đều có những cam kết hỗ trợ cùng nhau phát triển. Đơn cử như Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) mỗi năm đều dành 20 chỉ tiêu cho học sinh Quảng Nam; các bệnh viện ở Đà Nẵng cũng ưu ái cho bệnh nhân nghèo, nhất là những gia đình bệnh nhân có công khi ra Đà Nẵng khám chữa bệnh; năm nào Đà Nẵng cũng dành ngân sách đáng kể góp phần xây dựng Quảng Nam hay làm những công trình kết nối như đường Dốc Kiền lên Nam Giang, xây trường nội trú ở Trà My... Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An kể, những lúc thiên tai, ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) vào Quảng Nam tham gia chống lũ lụt, chia sẻ với người dân. Đó không phải là việc hiếu hỉ, ngoại giao mà thực sự là chung vai gánh vác. "Tôi nhớ có lần Đà Nẵng tháo dỡ một cây cầu cũ để xây cầu mới, anh Nguyễn Bá Thanh nói với cán bộ cấp dưới xem ở Quảng Nam chỗ nào thiếu thì đưa vào lắp đặt, hình như đó là cầu Cẩm Lý ở Điện Bàn"- ông An nói...
Ngày 21-2-1997, từ Nhà hát Trưng Vương, những chuyến xe đưa tiễn cán bộ vào Tam Kỳ làm việc, kiến thiết tỉnh mới diễn ra trong cảm động. Nhiều cơ quan, cán bộ lên xe vào tận Tam Kỳ xem nơi làm việc mới của đồng nghiệp, đồng chí mình thế nào. Ông Tiếng nói, trong thời kỳ Đà Nẵng là thủ phủ tỉnh thì những cán bộ ưu tú từ các huyện phía nam tăng cường về tỉnh, họ ra Đà Nẵng sinh cơ lập nghiệp, lúc đó tách tỉnh thì trở về Tam Kỳ. Với những trường hợp một thân một mình chắc là họ về cũng không có gì nặng nề, xáo trộn trong đời sống sinh hoạt. Có chăng là những người gốc Đà Nẵng do cơ quan thiếu người phải phân công vào Tam Kỳ, phải chịu một cảnh hai quê. Nhưng tất cả đều hiểu rằng việc chia tách là tất yếu để tạo sự phát triển cho quê hương, nên ai cũng có dự cảm điều tốt đẹp đang chờ phía trước.
Điều đáng mừng là sau 20 năm tách tỉnh thì cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều phát triển. Trong đó, sự phát triển của Đà Nẵng được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An nhìn nhận ở hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất là cơ chế TP thuộc T.Ư với nhiều quyền tự quyết tạo điều kiện cho Đà Nẵng bứt phá. Thứ hai là may mắn sau khi chia tách, Đà Nẵng có một đội ngũ lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, nếu không thì không đưa được những thuận lợi, thời cơ ấy vào mảnh đất này. Tuy nhiên, điều đáng mừng hơn nữa là sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Nam, một trong 3 địa phương mới nổi lên trong danh mục những tỉnh thành có đóng góp ngân sách về cho T.Ư. Điều đó càng khẳng định việc chia tách tỉnh QN-ĐN 20 năm trước là quyết định đúng đắn và sáng suốt.
Hải Hậu