Bao giờ cho hết tháng mười?

Thứ bảy, 31/10/2020 21:44

(ảnh minh họa)

Chưa tới tháng mười âm-chặng thời gian thường mưa lũ, bão gió triền miên- nhưng mưa bão liên tục trút dồn dập xuống miền Trung. Nhiều nơi chìm trong biển nước mênh mông, hàng chục tính mạng con người đã bị thiên tai tước đoạt. Không ngoại lệ, nhiều địa phương của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TT- Huế... cũng bị ngập tơi bời, xao xác. Làng tôi dọc bờ nam sông Thu Bồn hễ cứ vào mùa mưa thường bị lũ lụt đe dọa. Trong lúc mưa to, gió lớn, tôi xách xe chạy từ Đà Nẵng về tới xã Đại Hòa, H. Đại Lộc thấy nước lênh láng cả cánh đồng, nước băng qua đường nhựa với cường độ cuồn cuộn hung hăng. Cả hai đầu đường đều có lực lượng Công an, dân phòng canh gác, không cho người và phương tiện qua lại. Tôi quay đầu xe để trở ra Đà Nẵng và tối hôm đó nghe báo chí đưa tin có đôi vợ chồng trẻ ở xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn đi dự đám cưới tại xã Duy Hòa, H. Duy Xuyên khi về lội qua đoạn đường bị ngập này đã để lại đứa con hai tuổi mãi mãi thiếu cha, vắng mẹ. Tôi gọi điện về cho mẹ già hỏi tình hình nước lụt ở quê, bà bảo nước gần ngập cầu Ván, tràn vào cánh đồng Gia Đông. Phía sông nước mấp mé bờ tre bác Thọ, trâu bò ở xóm thấp lụt gần Bàu Aó chuẩn bị dắt lên sân nhà văn hóa thôn nếu ông trời mưa thêm vài giờ nữa...

Nghe bà nói mà lòng ngồn ngộn nỗi lo như chính những người nông dân lam lũ quê nhà chứ không còn vô tư như thời thơ ấu nữa. Ngày trước, đám trẻ chúng tôi rất thích lụt tràn về, bởi đây là dịp để đặt lờ, thả lưới bắt cá, đốn những thân cây chuối chát đã chặt buồng ghép bè chống sào đi từng bụi cây rậm rạp để bắt những chú dế mập mạp ẩn nấp ở các hang hốc trong lòng đất bị ngập nước chui ra treo mình trên các cành cây cao, trên những đám dâu tằm xanh mướt ở bãi nà trước nhà. Không gì thích thú hơn được chống bè đi bắt dế ngày lụt, bởi khi mặt đất trở thành mặt nước thì dế toàn "ngồi" trên các tán lá, cành cây, chỉ cần lượm chúng bỏ giỏ. Cơm nước xong, lũ trẻ chúng tôi lại bì bõm chống bè đi tìm bắt những con dế khác mà lòng thầm mong nước lụt... ở lại thêm vài ngày nữa! Mặc sự rầy la của mẹ, tôi cứ đẩy bè chuối tới chỗ này, qua chỗ kia, da chân tay do ngâm nước bọt nhiều bị nhăn nheo, bạc phếch. Tôi vui mừng, thích thú mỗi khi lụt về nhưng lòng mẹ tôi lại trĩu nặng nỗi âu lo. Bà hết nhìn trời, nhìn nước rồi chép miệng với tâm trạng não nề bởi trận lụt năm ấy đã nhấn chìm cả cánh đồng khi lúa mới bắt đầu ngậm sữa. Mấy ngày sau, nước rút ra bờ sông, cả làng xơ xác, rau màu dập nát, ngả nghiêng, bùn non nhầy nhụa từ trong nhà ra ngõ, cây cối tàn úa, mùa màng thất bát, cuộc sống của dân làng vốn khó khăn càng lận đận. Cặp giò tôi bắt đầu ngứa ngáy, lở loét do bị "nước ăn"... Thế mà cũng mê tít lụt mới lạ.

Tôi lại nhớ tới trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964, tuy lúc đó còn rất nhỏ nhưng tôi không bao giờ quên được là khi nước dâng quá cao, tôi được cha đưa lên cái gác lót bằng mấy tấm ván qua hai cây trính nhà. Giữa trưa trời bỗng nhiên tối sầm một lúc rồi mới sáng trở lại, mưa xối xả, gió giật từng cơn réo rắt ghê rợn, sau này tôi mới biết đó là hiện tượng nhật thực. Nhìn ra giữa dòng sông Thu Bồn mờ mờ nhà cửa, cây cối, gia súc, gia cầm cùng nhiều tài sản khác chới với theo dòng nước đỏ ngầu hung tợn. Thỉnh thoảng có tiếng kêu cứu khản giọng của nhiều người ngồi trên mái tranh trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng bởi không có phương tiện gì cũng như lực lượng cứu hộ...

Nói về trận lụt này, nhà thơ Tường Linh, người con của H.Quế Sơn đã bật lên những lời xót xa, đau đớn: "Nhà có mười người hết đường phấn đấu/Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau/Cây nước tràn lên cây nước phủ đầu/ Một dây xác trôi về đâu ai biết..." (Thảm nạn quê hương). Chuyện kể, làng Đông An lúc bấy giờ (nay là xã Quế Phước, H. Nông Sơn) bị lụt san bằng, cuốn trôi gần 1.500 người. Nhiều gia đình biết không thể chống chọi với cơn đại hồng thủy này nên đã dùng dây dừa cột tay từng người thân dính chùm với nhau để đến lúc chết không thể rời nhau. "Một dây xác" mà nhà thơ Tường Linh miêu tả là như vậy."Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người/Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa/ Người sống sót không còn nhà cửa/Không áo cơm, khô cả lệ thông thường/Cắn vành môi nhìn lại một quê hương/Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục/Quê hương ta một hình hài ngã gục/ Cà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!/Đông An, Bình Yên nước xóa cả rồi..." (Thảm nạn quê hương-Tường Linh). Có tư liệu ghi để tạo nên trận lụt này, mưa nặng hạt trút xuống liên tục từ ngày 4 đến ngày 10-11-1964, xứ Quảng chết hơn 6.000 người.

Bão đi, lụt lui ra triền sông nhưng con nước vẫn đỏ quạch như chực chờ lớn trở lại. Đường sá bị xói lở gồ ghề, lởm chởm, nhiều đoạn bị nước xiết băm vằm hư hỏng nặng nề. Cây cối, hoa màu bê bết bùn đất và khi trời hửng nắng thì những hàng đu đủ xanh um thẳng tắp trên các đám thổ ven sông bắt đầu rụng trái, héo lá bởi do bị ngâm nước lâu ngày thối rễ. Thông thường phải qua 23-10 âm lịch "ông tha bà chẳng tha" thì các dòng sông mới vơi dần con nước, con người mới bớt nỗi sợ hãi về nạn lụt lội. Nhưng từ nay tới đó còn rất nhiều ngày và còn bao nhiêu con bão lũ nữa dự báo sẽ vào...

Bao giờ cho hết tháng mười? Thắt lòng khúc ruột miền Trung...

THÁI MỸ