Bắt nữ quái lừa 135 tỷ đồng

Thứ năm, 30/01/2020 15:55

Ngày 23-1-2020, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Định đã bắt tạm giam bị can Châu Thị Mỹ Hiệp (38 tuổi, trú xã Hoài Tân, Hoài Nhơn) để phục vụ công tác điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời điểm bị bắt, Châu Thị Mỹ Hiệp đang trốn tại thị xã An Khê (Gia Lai). Việc bắt đối tượng này ngay ngày 29 Tết Nguyên đán bước đầu đã giúp những bị hại, nhiều nhất ở H. Hoài Nhơn (Bình Định) và H. Đức Phổ (Quảng Ngãi) phần nào an lòng.

Cơ quan điều tra ghi lời khai của bị can Châu Thị Mỹ Hiệp.

Qua điều tra ban đầu, khoảng năm 2017, thông qua mối quan hệ làm ăn, Hiệp quen biết với Nguyễn Hữu Khải, cán bộ tín dụng Ngân hàng ACB, Chi nhánh Bình Định (đã bị Cơ quan CSĐT CA tỉnh khởi tố và bắt tạm giam trong một vụ án khác), giới thiệu nhiều khách hàng cần đáo hạn ngân hàng cho Hiệp.

Sau nhiều vụ làm ăn suôn sẻ, Khải vay của Hiệp để đáo hạn ngân hàng (thực tế Khải vay để mua bán bất động sản và bị thua lỗ). Do hám lợi, Hiệp đã huy động vốn của nhiều người trong và ngoài huyện Hoài Nhơn, với lý do đáo hạn ngân hàng để cho Khải vay lại, hưởng chênh lệch lãi suất.Thủ đoạn: Để tạo mối quan hệ, bà Hiệp tổ chức mừng tân gia mời nhiều người tới dự. Sau đó bà Hiệp gặp riêng từng người có mối quan hệ làm ăn để hỏi vay mượn tiền với các lý do là đang đầu tư mua hàng chục lô đất của huyện bán đấu giá, xây nhà ở, mở doanh nghiệp ở TX An Khê (Gia Lai), hứa trả lãi suất cao, như vay 100 triệu đồng thì trả lãi 100 nghìn đồng/ngày. Để tạo niềm tin, bà Hiệp đều có viết giấy mượn tiền và ban đầu trả lãi rất đúng hẹn.

Bà Lê Thị Thu Hương, ở đường Trần Phú, thị trấn Tam Quan cho biết: Vì quá tin tưởng bà Hiệp có mối quan hệ rộng, lại là người cùng địa phương nên nhiều lần bà Hiệp hỏi mượn tiền, bà đều không chút đắn đo cầm cố tài sản, nhà cửa để vay tiền ngân hàng, thậm chí gom thêm tiền của người thân đưa cho bà Hiệp. Thời điểm bà Hương đưa cho bà Hiệp nhiều nhất là 9 tỷ đồng. Cho đến ngày bà Hiệp tuyên bố vỡ nợ thì bà Hương đã đưa cho bà Hiệp tổng cộng gần 55 tỷ đồng (từ năm 2017 đến tháng 3-2019). Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, ở thị trấn Tam Quan, đã gom hết tài sản của gia đình, vận động nhiều gia đình khác mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay đưa cho bà Hiệp với số tiền lên đến 13,5 tỷ đồng... Không chỉ vay mượn những người ở địa phương, bà Hiệp còn mở rộng địa bàn vay mượn ra H. Đức Phổ (Quảng Ngãi). Như bà Bạch Thị Trò, ở H. Đức Phổ, đã cầm cố sổ đỏ, vay mượn tiền người thân đã đưa cho bà Hiệp vay 2 lần, tổng cộng 48 tỷ đồng.

Trở lại việc thua lỗ của bà Hiệp là vì không thu hồi được số tiền đã cho Khải vay và trước áp lực lãi suất của con nợ, Hiệp tiếp tục vay của người sau trả lãi và gốc cho người vay trước với lãi suất cao. Đến tháng 10-2018, Hiệp mất khả năng chi trả nên phải bỏ trốn khỏi địa phương và nhiều lần lấy lý do đau bệnh để trì hoãn, nhằm đối phó với cơ quan điều tra. Do vỡ nợ kiểu “dây chuyền” nên các con nợ nhiều lần kéo lên tỉnh, gây sức ép với chính quyền và cơ quan pháp luật làm phức tạp tình hình ANTT ở địa phương. Đến nay, qua tiếp nhận của bị hại, tổng số tiền mà Hiệp chiếm đoạt gần 135 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT CA tỉnh thông báo ai là bị hại hoặc biết về người bị hại xin liên hệ với Văn phòng Cơ quan CSĐT CA tỉnh để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Thủ đoạn huy động vốn, trả lãi suất cao đã đánh vào tâm lý hám lợi của người dân. Ban đầu đối tượng lừa đảo trả lãi và gốc đầy đủ, đúng hẹn, nhưng khi đã tạo được lòng tin, đối tượng gom số tiền lớn rồi bỏ trốn. Đây là thủ đoạn không mới nhưng nhiều người vẫn bị sập bẫy. Vì vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo quen thuộc này”, Đại tá Võ Văn Thạnh - Trưởng CAH Hoài Nhơn cảnh báo.

LÊ GIANG