Bẫy “vay không cần thế chấp”

Thứ ba, 07/08/2018 20:00

Ngày 5-8, Cơ quan CSĐT CAH Hòa Vang (Đà Nẵng) tống đạt quyết định khởi tố, tạm giam 4 tháng đối với Lê Minh Đức (1994), Trần Mạnh Cường (1994, cùng trú TT Quang Minh, H. Mê Linh, TP Hà Nội) về hành vi “Cướp tài sản”. Được biết, Đức có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và “Mua bán trái phép chất ma túy”, còn Cường có 1 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trụ sở Cty TNHH Bắc Nghĩa Cường.

Theo điều tra ban đầu, tháng 6-2018, ông N.N (trú Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) tìm đến Cty TNHH Đầu tư & Phát triển Bắc Nghĩa Cường, có trụ sở ở ven tuyến QL1A (đoạn qua thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, H. Hòa Vang) do Trương Văn Sơn (1992, trú TT Quang Minh) làm Giám đốc, Đức và Cường là nhân viên với mục đích thế chấp giấy tờ cá nhân, giấy tờ xe máy để vay 5 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. Trước khi giao tiền cho ông N., các đối tượng yêu cầu ông phải viết giấy bán chiếc xe máy trên rồi làm một hợp đồng cho ông thuê lại xe của chính mình... Ngày 22-7, ông N. điều khiển xe máy hiệu Vision BKS 75K1... đến trả tiền lãi nhưng Cường không đồng ý vì cho rằng ông N. dây dưa chậm trả lãi. Cường bắt ông N. trả hết tiền gốc và tiền phạt trả lãi chậm với tổng số tiền là 8 triệu đồng. Thấy ông N. không đồng ý trả, Cường liền ngắt nguồn điện kết nối với camera của Cty, rồi cùng Đức xông vào đánh ông N. gãy răng. Đánh xong, Cường ép ông N. viết giấy cầm xe với số tiền 8 triệu đồng, đồng thời giữ lại xe máy hiệu Vision chờ đến khi nào ông N. nộp đủ tiền thì trả lại. Tiếp nhận tin báo bị hại, CAH Hòa Vang, CAX Hòa Phước tiến hành kiểm tra, phát hiện Cty hoạt động kinh doanh dưới danh nghĩa Dịch vụ tư vấn “Mua bán và cho thuê ô-tô, xe máy tự lái” nhưng thực chất là cho vay nặng lãi.

Lê Minh Đức, Trần Mạnh Cường

Đại úy Lê Trần Bá Đức - Đội phó Đội ĐSHS CAH Hòa Vang cảnh báo, từ vụ việc trên cho thấy, không ít người đã trở thành con nợ “không thời hạn” khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới loại hình cho vay không cần thế chấp. Các đối tượng kinh doanh dưới hình thức này thường thành lập các Cty, cửa hàng kinh doanh để hợp pháp hóa, cá biệt một số không có cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh. Một số hành vi, thủ đoạn hoạt động điển hình là: Giao dịch cho vay thường là thỏa thuận ngầm, việc vay nợ thường được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền thay vì phải thế chấp tài sản hoặc buộc người vay tiền phải làm thủ tục bán tài sản cho đối tượng, sau đó thuê lại tài sản... Đến hạn, các chủ nợ bắt người vay nợ phải trả tiền hoặc viết giấy vay nợ tiếp, đến khi người vay chỉ có thể trả một phần hoặc không trả nợ được, đối tượng trực tiếp hoặc thuê người đòi nợ để uy hiếp “con nợ” phải trả tiền. Cùng với thủ đoạn đòi nợ trên, các đối tượng còn làm đơn trình báo các cơ quan chức năng về việc có người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của mình và yêu cầu xác minh, giải quyết.

Được biết, thời gian qua, ở vùng nông thôn Hòa Vang không ít người đã trở thành con nợ “không thời hạn” khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới loại hình cho vay không cần thế chấp. Vì vậy, khi người dân có nhu cầu vay vốn nên đến ngân hàng liên hệ và được hướng dẫn thủ tục vay vốn, đừng nhẹ dạ, nghe lời “đường mật” từ các biển quảng cáo treo, dán trên các cột điện, tường rào rồi mắc bẫy.

AN DƯƠNG