Bên trong thế giới ngầm buôn người ở Mali
(Cadn.com.vn) - Đối với nhiều người di cư Châu Phi muốn đến Châu Âu, thành phố Gao ở đông bắc Mali là cửa ngõ đến sa mạc Sahara. Nhưng vượt qua sa mạc này cũng nguy hiểm như vượt qua Địa Trung Hải.
Một nhóm thanh niên đang ngồi trong lo lắng và im lặng. Trong góc sân có tường bao quanh, rất nhiều can nước 5 lít được chất đầy. Khi chiếc xe tải tiếp theo sẵn sàng để đi vào sa mạc, các container sẽ được đổ đầy nước cho hàng trăm người di cư sử dụng. Mỗi người phải trả lên đến 400 USD cho chuyến đi không chắc chắn đến Algeria.
Đây chính là trung tâm của thế giới ngầm buôn người ở Gao. Hàng trăm người đàn ông Châu Phi mơ ước về tương lai ở Châu Âu đều đến “khu ổ chuột” Gao này. Nằm cách bờ biển Địa Trung Hải 2.000km, Gao là điểm cuối cùng tương đối an toàn trước khi bắt đầu cuộc hành trình xe tải 6 ngày qua sa mạc, mà vô số người biến mất không rõ lý do. “Người di cư chỉ có 10% cơ hội đến được nơi họ muốn. Nhưng đó là sự lựa chọn của họ”, Moussa, 26 tuổi, nói.
![]() |
Kinh doanh người di cư là trụ cột nền kinh tế của Gao. Ảnh: BBC |
Thị trấn cocaine
Gao là thành phố với những con đường bụi đỏ. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào buôn người. Con người được giao dịch như thùng nhiên liệu, hộp mì hay chiếc tủ lạnh đến từ Algeria.
Đó là điểm quá cảnh nổi tiếng của các loại ma túy Nam Mỹ, đến nỗi có một vùng ngoại ô được gọi là “Cocainebougou” (thị trấn cocaine) - nơi các biệt thự bê-tông 2-3 tầng mọc lên giữa khu vực bụi bặm xung quanh. Gao chứng kiến nhiều cuộc giao tranh ác liệt nhất khi các nhóm nổi dậy - Tuareg và Hồi giáo - quét qua phía bắc Mali vào năm 2012, buộc Pháp phải can thiệp quân sự. Người di cư thậm chí phải ra nước ngoài trước khi đến được Gao. Thợ máy trưởng Sardou Maiga của Cty vận tải Sonef cho biết, “những hành khách có thể bị các lái xe bán cho các tài xế xe tải đi đến Algeria. Họ có thể chết trên hành trình đó bởi vì nếu gặp khó khăn, các lái xe sẽ thả họ trong sa mạc”.
Quá xấu hổ nếu quay trở về
Ông Ibrahim Miharata là quản lý Direy Ben, ký túc xá dành cho những người di cư không may mắn tại Gao. Direy Ben nhận được sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Mali và Giáo hội Công giáo La Mã và có thể chứa đến 70 người di cư.
“Nhiều người quay trở lại sau khi chứng kiến cuộc chiến ở Libya. Khi họ trở lại Gao, họ thường thất vọng và tinh thần bị xáo trộn. Hãy tưởng tượng một người rời bỏ gia đình một năm trước đây. Gia đình họ phải bán hai con bò để có 800-1.000 USD cho chuyến đi. Và bây giờ anh đang quay trở lại mà không có một đồng xu. Đó là điều đáng xấu hổ”, ông Miharata cho biết. Ông Miharata ước tính lên đến 900 người Châu Phi di cư qua Gao mỗi tháng. “Lý do Gao là điểm trung chuyển quan trọng vì đây là nơi giao cắt ngắn nhất để đến sa mạc - khoảng 5-6 ngày”, ông Miharata nói. Theo ông Miharata, Nigeria, Cameroon và Gambia là 3 quốc gia có nhiều thanh niên trẻ nhất đang rời khỏi khu vực theo cách này.
Mặc dù đang điều hành một ký túc xá dành cho người nhập cư đau khổ, ông Miharata sở hữu chiếc xe buýt chạy từ Gao đến Kumasi (Ghana) và ngược lại. “Tôi ủng hộ quyền di chuyển tự do của người dân. Nếu bạn muốn kiếm sống tại Gao, kinh doanh người di cư là sự lựa chọn duy nhất’’, ông Miharata nói.
An Bình
(Theo BBC)