Brexit trước giờ G

Thứ ba, 15/01/2019 10:46

Quốc hội Anh dự kiến bỏ phiếu về dự thảo thỏa thuận đã đạt được với Liên minh Châu Âu (EU) về Brexit (Anh rời EU) vào hôm nay (15-1), nhưng giới chuyên gia cho rằng, dự thảo này khó có thể được thông qua.

Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May vào hôm nay (15-1).   Ảnh: National Review

Chấp nhận thỏa thuận của tôi hoặc đối mặt nguy cơ không có Brexit nào cả”, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo các nghị sĩ Quốc hội như vậy trong phiên họp vào tối 14-1 (giờ Việt Nam) khi bà đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ trước cuộc bỏ phiếu quan trọng vào hôm nay (15-1).

Trước đó, theo CNN, trong bài phát biểu trước các công nhân tại một nhà máy ở Stoke-on-Trent, khu vực nơi phần đông ủng hộ Brexit, bà May tuyên bố, Quốc hội có nhiệm vụ thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ủng hộ rời khỏi EU. “Không còn nghi ngờ gì nữa, những bất đồng vẫn còn đó, nhưng chúng ta nên chấp nhận rời khỏi EU hoặc nếu không sẽ phải quay lại câu hỏi đó trong một cuộc trưng cầu dân ý khác”, bà May nói và gửi thông điệp đến Quốc hội: “Đã đến lúc quên đi những trò chơi chính trị và làm điều đúng đắn cho đất nước”.

Chạy đua với thời gian

Thủ tướng May đang phải chạy đua với thời gian để có thể đạt thỏa thuận Brexit với EU trước thời hạn chót vào ngày 29-3. Bà sẽ tập trung các đảm bảo từ EU về điều khoản chốt chặn biên giới với Ireland - một trong những vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ, những nỗ lực trong nhiều ngày qua, Thủ tướng May vẫn đứng trước khả năng rất cao là đối mặt với thất bại. Bà từng hoãn một cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit hồi tháng 12-2018, bất chấp sự phẫn nộ của nhiều thành viên Quốc hội, do lo ngại sẽ phải hứng chịu thất bại. Giới chuyên gia cho rằng, bà May lùi thời hạn bỏ phiếu là nhằm gây áp lực lên các nghị sĩ Quốc hội để họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ thỏa thuận của bà khi thời hạn chót 29-3 đang đến gần. Tuy nhiên, các thành viên Quốc hội vẫn tỏ ra rất kiên quyết và muốn khẳng định sự thống trị của hiến pháp. Tuần trước, các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc ngăn Anh rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào (tức là Brexit cứng). Họ cũng chỉ cho bà May  3 ngày để đưa ra một kế hoạch thay thế nếu phải hứng chịu thất bại trong cuộc bỏ phiếu ngày 15-1.

Và số phận của Thủ tướng May cũng đang đứng trước nguy cơ lớn nếu dự thảo Brexit bị bác bỏ. Trong tuyên bố mới nhất, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn cảnh báo sẽ “sớm” đề xuất tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ nếu thỏa thuận bị bác bỏ, điều mà dư luận dự đoán từ trước.

Nguy cơ thất bại rất cao

Trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng ở Quốc hội Anh, giới chuyên gia cho rằng, dự thảo này khó có thể được thông qua khi dự luật Brexit của bà không được lòng các nghị sĩ ủng hộ và chống đối Brexit.

Nhiều nghị sĩ yêu cầu chính phủ Anh đàm phán lại thỏa thuận Brexit với EU hoặc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Vấn đề thách thức ở đây vẫn là những tranh cãi gay gắt về vấn đề biên giới phức tạp giữa Ireland và Bắc Ireland. Tại các cuộc biểu tình thường xuyên bên ngoài tòa nhà Quốc hội, nơi những người ủng hộ và chống Brexit tổ chức các cuộc biểu tình trong nhiều tháng, các nhóm cực hữu nhắm vào các nghị sĩ và nhà báo - đặc biệt là những thành viên của đảng Bảo thủ của Thủ tướng May, những nhân vật vốn ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác. Trong lá thư gửi Cảnh sát London, các nghị sĩ cảnh báo rằng, “những phần tử có mối liên hệ với các nhóm cực hữu... có các hành vi đe dọa và có khả năng hình sự” chống lại các chính trị gia, nhà báo, các nhà hoạt động và người dân.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ bảo thủ ủng hộ rời khỏi EU tỏ ra rất tức giận trước các dấu hiệu Brexit có thể bị tuột đi, hoặc có thể diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảnh báo, nếu thỏa thuận của bà May thất bại thì thật sự có khả năng xảy ra “sự tê liệt Brexit” có thể dẫn tới việc kế hoạch Anh rời khỏi EU bị dừng lại. Và vị thủ lĩnh ngoại giao Anh đã kêu gọi Quốc hội nỗ lực ngăn chặn một viễn cảnh Brexit không có thỏa thuận.

KHẢ ANH