Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet
Mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo cũng như đấu tranh bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet, mạng xã hội, mạng viễn thông. Tuy vậy, một số người dân vẫn còn chủ quan, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ cả tin để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân.
Trung tá Nguyễn Xuân Đức - Trưởng Công an huyện Đăk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho biết, tại huyện Đắk Mil, chỉ tính từ tháng 4-2020 đến nay, lực lượng Công an đã tiếp nhận 50 trường hợp người dân trên địa bàn đến cơ quan CSĐT trình báo về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức trên với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Với tinh thần quyết tâm cao và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an huyện Đắk Mil liên tiếp đấu tranh, triệt phá 2 nhóm 3 đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện gần 20 vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các địa phương trong cả nước với thủ đoạn rất tinh vi.
![]() |
3 đối tượng (dấu x) sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản bị Công an huyện Đắk Mil bắt giữ. |
Mới đây, Công an huyện Đắk Mil đấu tranh, triệt phá 1 nhóm 2 đối tượng sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người dân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Phước Vĩnh (2000) và Nguyễn Văn Vĩnh (2002, cùng trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để điều tra, làm rõ về hành vi: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, từ tháng 9-2020 đến ngày 24-3-2021, các đối tượng đã cùng nhau chiếm đoạt số tiền 250 triệu đồng của nhiều bị hại ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đơn cử, trưa 8-3-2021, Trần Phước Vĩnh và Nguyễn Văn Vĩnh đã chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản facebook “QuangHiepTran” của anh H. ở tỉnh Đắk Nông rồi giả danh anh này nhắn tin qua messenger cho chị Trần Thị H. (bạn của anh H.) để mượn tiền để giải quyết công việc. Tin tưởng nên chị H. đã nhiều lần chuyển vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng với tổng cộng 12 triệu đồng. Cũng vào thời điểm trên, với thủ đoạn tương tự các đối tượng cũng đã chiếm đoạt số tiền 2 triệu đồng của chị Ngô Thị X. ở tỉnh Đắk Nông là bạn của anh H.
Trung tá Trần Nguyên Tuấn - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Đắk Mil cho biết thêm, qua tin tố giác của người dân và kết quả điều tra các vụ án sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng chủ yếu như: Dùng mạng Internet để đánh cắp tài khoản facebook, zalo bằng các hình thức như gửi đường link đến trang web để yêu cầu đăng nhập, bình chọn cho các cuộc thi trên truyền hình lập tức bị đối tượng đánh cắp tài khoản và dùng vào mục đích: thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video... để đăng lên trang mạng xã hội, có thể không trả lại tài khoản hoặc đòi tiền chuộc.
Phổ biến nhất là đối tượng sẽ giả mạo người thân, bạn bè rồi nhắn tin với người quen để nhờ nạp thẻ điện thoại hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bọn chúng. Sau khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân thì bọn chúng nhanh chóng rút tiền và chặn mọi liên lạc. Hoặc thủ đoạn sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án rồi thông báo, gây hoang mang cho người dân tin rằng mình có liên quan đến hành vi phạm pháp. Từ đó, các đối tượng yêu cầu người dân phải chuyển một số tiền lớn vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng này cung cấp phục vụ điều tra nhằm chiếm đoạt. Một thủ đoạn nữa là các đối tượng xưng là người nước ngoài có nhiều tiền và dùng facebook, zalo, instagram... kết bạn làm quen với các phụ nữ. Sau đó lừa gửi tiền, quà có giá trị cao (có cả hình ảnh để tạo lòng tin) về Việt Nam cho “người yêu”. Mấy ngày sau có người giả danh nhân viên hải quan, sân bay thông báo đang giữ thùng tiền, quà và yêu cầu bạn phải đóng phí vận chuyển, tiền thuế, tiền phạt qua tài khoản ngân hàng mới cho nhận hàng. Sau khi bạn chuyển tiền, chúng nhanh chóng chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc.
Một hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra nhiều trong thời gian gần đây là thông qua hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại. Giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản. Lập ra các trang web, facebook quảng cáo cho vay tiền không thế chấp, thủ tục nhanh gọn với mức vay ưu đãi. Sau khi người dân liên lạc thì đối tượng yêu cầu đóng tiền phí hồ sơ bảo hiểm... cho khoản vay qua tài khoản ngân hàng xong thì chiếm đoạt và chặn liên lạc...
Để đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả cao, cùng với việc đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an và ngành chức năng thì mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác khi tham gia mạng xã hội, mạng Internet, tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi người dân phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo cần nhanh chóng báo cho cơ quan Công an để kịp thời xác minh, ngăn chặn, xử lý.
HỒNG LONG