Chạy đua chuyển đổi số
Đà Nẵng đang thực hiện Đề án chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu 5 năm tới kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP. Tuy vậy, quá trình CĐS đang đối mặt nhiều thách thức, trong khi yêu cầu phải luôn nhanh và nhanh hơn nữa.
![]() |
Hiện công nghiệp CNTT đang chiếm gần 8% GRDP của Đà Nẵng. |
Thúc đẩy các dự án kinh tế số
Xác định CĐS là chìa khóa để phát triển vì vậy các địa phương, doanh nghiệp đều bước vào cuộc chạy đua, ai có nền tảng, định hướng tốt sẽ nhanh hơn, chớp được "thời gian vàng" để phát triển. Trong đề án CĐS mà Đà Nẵng đang thực hiện có 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cả 3 trụ cột này Đà Nẵng đều có nền tảng nhất định, tạo lợi thế cho cuộc "chạy đua" CĐS. Cụ thể, về xã hội số, Đà Nẵng có tỷ lệ hộ dân có internet băng rộng gần 92%, sử dụng điện thoại di động thông minh hơn 91%. Người dân dần hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến (hiện TP có 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4). Về chính quyền số, sau 10 năm xây dựng Chính phủ điện tử, Đà Nẵng đã kế thừa nền tảng hạ tầng cơ sở dữ liệu nền. Cổng dữ liệu mở của TP đã cung cấp hơn 570 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội cho người dân, doanh nghiệp khai thác, tra cứu qua web, API, MSM, Zalo. Đà Nẵng cũng đã triển khai Cổng thông tin tra cứu đất đai để cung cấp thông tin cho người dân, nhà đầu tư, đơn vị chuyên môn trong thực thi công vụ. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, việc thực hiện Đề án TP thông minh (tổng kinh phí gần 2,2 ngàn tỷ đồng) đã tạo nền tảng bước đầu để quá trình CĐS của TP diễn ra nhanh hơn. Hiện có 9 dự án thành phần trong Đề án này đang được triển khai, nổi bật như: Xây dựng ứng dụng tạo dịch vụ công trực tuyến theo bộ Thủ tục hành chính hiện hành, Cơ sở dữ liệu (CSDL) giáo dục nghề nghiệp, CSDL không gian đô thị, CSDL ngành giao thông vận tải, Giám sát đỗ xe, Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Mạng lưới thiết bị IoT trường học…Có khoảng 27 dự án thành phần với tổng vốn ngân sách gần 260 tỷ đồng trong giai đoạn 1 của Đề án TP thông minh đang và sắp được triển khai. Trong đó, phần lớn các dự án thành phần về CSDL và một số dự án khác như Trung tâm giám sát điều hành và tập trung đa nhiệm (54 tỷ đồng); dự án Nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng (65 tỷ đồng). Sở dĩ trong Đề án này tập trung nhiều vào CSDL bởi lẽ đây là tài nguyên quan trọng trong CĐS- một loại tài sản đặc biệt mà càng chia sẻ càng có giá trị. Xây dựng hệ thống CSDL chuẩn, sạch, có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả chính là tạo tền tảng quan trọng để CĐS.
Về kinh tế số, hiện công nghiệp CNTT của TP chiếm 7,8% GRDP, trung bình có 2 DN/1000 dân (gấp 4 lần trung bình cả nước). Để thực hiện thành công trụ cột kinh tế số trong Đề án CĐS của TP, hiện nhiều dự án hạ tầng về công nghiệp CNTT đang được triển khai. Nổi bật như Công viên phần mềm số 2 tổng vốn hơn 986 tỷ đồng đáp ứng chỗ làm việc cho 6 ngàn người, hiện giá trị xây lắp đạt 175 tỷ đồng (gần 25%) giá trị hợp đồng. Nhiều dự án lớn về CNTT cũng được các nhà đầu tư triển khai ở Đà Nẵng. Trong đó, tập đoàn công nghệ CMC xây dựng dự án Tổ hợp không gian sáng tạo 12 ngàn tỷ đồng trên diện tích 17,2ha tại Cẩm Lệ; Viettel đầu tư dự án Trung tâm phần mềm và CNC tổng vốn 2 ngàn tỷ đồng trên diện tích 11 ngàn m2 tại Khu Công viên Bắc tượng đài 2-9; VNPT đầu tư khu CNTT trên đường Nguyễn Sinh Sắc rộng 35 ngàn m2, tổng vốn từ 700-1000 tỷ đồng. Đặc biệt, tập đoàn FPT đã đầu tư Khu đô thị công nghệ FPT trên diện tích 181 ha tổng vốn 1 tỷ USD tại Hòa Hải, trong đó khu FPT Complex rộng 5,9ha, mục tiêu thu hút 10 ngàn kỹ sư phần mềm (hiện đã có 3,4 ngàn kỹ sư làm việc).
Trong 3 trụ cột của đề án CĐS nêu trên thì kinh tế số vẫn là trọng tâm, có sự gắn kết, bổ trợ quan trọng từ chính quyền số, xã hội số. Mục tiêu của đề án, đến năm 2025 Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS với kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP, đồng thời là 1 trong 3 trung tâm lưu trữ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
![]() |
Công viên phần mềm số 2 là nơi làm việc cho 6 ngàn nhân lực hiện đã thi công đạt gần 25% khối lượng. |
Gỡ rào cản tư duy
Trong CĐS thì phần số (số hóa, tin học hóa) không khó, mà khó ở phần chuyển đổi (thay đổi nhận thức, tư duy, mô hình). Các chuyên gia thường dùng hình ảnh luộc ếch để ví von về CĐS. Con ếch khi bỏ vào nồi nước vẫn thấy bình thường, khi nước nóng dần lên mới phản ứng, nhảy đi thì đã muộn. Nhiều DN bảo đang sống khỏe thì cần gì CĐS, vấn đề là nhận thức, là thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình ngay từ khi DN còn đang sống khỏe. Vì CĐS là xu thế, chờ tới lúc ốm yếu mới chuyển thì đã hết cơ hội. Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, dù các DN đang khó khăn vì dịch bệnh song cũng mong muốn được TP hỗ trợ CĐS, chuyển đổi mô hình, thay vì các hỗ trợ tạm thời. Đại dịch với nhiều khó khăn hiện nay song cũng là cơ hội để DN tái cấu trúc, linh hoạt chuyển đổi mô hình, CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho rằng, CĐS là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, làm thay đổi thói quen từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, hoạt động trên môi trường số, tạo ra dữ liệu số. Tức là việc thay đổi cách làm việc, phương thức sản xuất kinh doanh…diễn ra trên diện rộng.
Đà Nẵng tuy có tỷ lệ DN số cao so với bình quân cả nước nhưng đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ (chỉ có 2 DN qui mô trên 3 ngàn lao động). Mặt khác, DN số của Đà Nẵng cũng chủ yếu gia công sản phẩm, giá trị gia tăng không cao. Muốn CĐS thành công, kinh tế số chiếm 20% GRDP của TP vào năm 2025 thì nhất thiết DN số phải xây dựng hoàn thiện các sản phẩm "made in Da Nang".
Mặt khác, để thực hiện tốt trụ cột kinh tế số, Đà Nẵng phải giải quyết rào cản về nhân lực số chất lượng. Đào tạo nghề chỉ cần vài năm, chứ đào tạo chuyên gia, kỹ thuật cao cấp về công nghệ số cần thời gian và cả cơ chế hấp dẫn để thu hút, giữ chân những nhân lực này ở lại TP làm việc. Hiện TP có 25 trường đại học, cao đẳng có khoa CNTT mỗi năm bổ sung 5000 nhân lực. Tuy vậy, trước nhu cầu và yêu cầu cao hơn của cuộc chạy đua CĐS, chất lượng nhân lực CNTT đang là thách thức lớn. TS Nguyễn Quang Như Quỳnh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, phải có đột phá về đào tạo nhân lực, bắt đầu từ chương trình chuẩn, gắn nhà trường với DN, gắn nghiên cứu với khởi nghiệp sáng tạo…có như vậy mới tạo đột phá cho CĐS.
Đột phá về nhân lực, thúc đẩy các dự án công nghệ, gỡ bỏ rào cản tư duy CĐS cho DN…là những thách thức trong cuộc chạy đua CĐS của Đà Nẵng hiện nay.
HẢI QUỲNH