Chờ tín hiệu từ OPEC

Thứ sáu, 03/06/2016 11:04

(Cadn.com.vn) - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 2-6 (giờ địa phương) bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo, với tâm điểm bàn về vấn đề thừa nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu như hiện nay.

Nội dung trọng tâm cuộc họp như thế này chắc chắn làm bùng nổ cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Iran - hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất Trung Đông. Trong khi Riyadh cố gắng hồi sinh ngành dầu mỏ, phối hợp hành động và đặt mục tiêu trần sản lượng dầu chính thức, Tehran hoàn toàn bác bỏ ý tưởng này.

Thật sự, căng thẳng giữa vương quốc của người Hồi giáo Sunni ở Saudi Arabia và người Hồi giáo Shitte ở Iran luôn là tâm điểm nổi bật của một số cuộc họp của OPEC trước đó, bao gồm cả cuộc họp hồi tháng 12-2015 khi nhóm không đồng ý về một mục tiêu sản lượng chính thức, đánh dấu sự chia rẽ lần đầu tiên trong nhiều năm qua.

Nhiều nguồn tin cho rằng, tại cuộc họp lần này, Saudi Arabia và các đồng minh Vùng Vịnh sẽ đề xuất thiết lập một mức trần sản lượng chung mới trong nỗ lực vực dậy một OPEC đang suy yếu cũng như kết thúc một cuộc chiến thị phần đã khiến giá dầu giảm mạnh và nguồn đầu tư bị cắt giảm nghiêm trọng. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chắc chắn đang tìm kiếm nỗ lực phối hợp hành động tại cuộc họp này. Đó là nhóm kết hợp sản xuất lớn nhất của OPEC gồm Saudi Arabia và các nước đồng minh Vùng Vịnh như Qatar, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nhưng điều người ta chờ đợi là một “cái bắt tay” giữa Iran và Saudi Arabia. Bởi bất kỳ thỏa thuận nào giữa Riyadh và Tehran đều được xem như là một bất ngờ lớn, chắc chắn sẽ kích thích thị trường và đẩy giá dầu lên cao hơn. Tuy nhiên, khả năng này là rất khó trong bối cảnh cả hai đang ngày càng trở nên thù địch hơn. Trong cuộc họp hồi tháng 4, Saudi Arabia làm tiêu tan kế hoạch “đông lạnh” hoạt động sản xuất toàn cầu - vốn nhằm mục tiêu bình ổn thị trường dầu mỏ. Riyadh sau đó tuyên bố sẽ chỉ tham gia thỏa thuận, vốn có sự tham gia của quốc gia không thuộc OPEC là Nga, một khi Iran cũng tham gia.

Nhưng Tehran luôn là trở ngại chính đối với OPEC trong nỗ lực thống nhất về chính sách đầu ra trong năm qua khi nước này đẩy mạnh các nguồn cung bất chấp kêu gọi “đông lạnh” sản xuất. Tehran lập luận họ phải gia tăng sản xuất để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây – hiện đã được dỡ bỏ. Đến Vienna lần này, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh kiên quyết cho biết, Tehran sẽ không ủng hộ bất kỳ mức trần sản lượng chung mới nào và chỉ muốn tập trung vào hạn ngạch sản xuất của từng quốc gia.

Tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ khiến giá dầu lao dốc thảm hại, xuống mức thấp nhất trong hơn thập kỷ qua. Bất chấp những kêu gọi cắt giảm sản xuất, các nước OPEC liên tục tăng sản lượng để giành và giữ thị phần – động thái khiến nguồn cung vẫn dư thừa. Vì vậy, tất cả đang trông chờ vào một kết quả có lợi trong phiên họp lần này của OPEC.

Thanh Văn