Chuyên gia Nhật hiến kế cứu biển Cửa Đại

Thứ hai, 15/01/2018 13:06

Theo nghiên cứu của Jica (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) thì việc xây hồ đập thủy điện, khai thác cát quá mức ở thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn khiến nguồn vận chuyển bùn cát về Cửa Đại (Hội An) giảm, dẫn tới sạt lở bờ biển. Tình trạng sạt lở này ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại cho kinh tế, du lịch và cuộc sống của người dân, đến nay chưa có giải pháp căn cơ khắc phục. 

Việc xây kè làm gián đoạn quá trình vận chuyển bùn cát ven bờ góp phần làm sạt lở tăng. 

Cát về Cửa Đại giảm 40%

Ngày 12-1, Jica đã công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu mới nhất về công tác quản lý bùn cát trên lưu vực sông thuộc hệ thống sông miền Trung. Trong đó, với lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn và tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại được phân tích, kiến giải rất kỹ. Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói rằng, tình trạng sạt lở sông, biển ở Quảng Nam rất nghiêm trọng, đã có nhiều hội thảo đưa ra kiến nghị song vẫn chưa khắc phục được. Với nghiên cứu của Jica, ông Thanh tin tưởng kiến nghị đưa ra vừa có thể chống sạt lở song vẫn đảm bảo các hoạt động khai thác phục vụ phát triển kinh tế. Bởi lẽ các công trình xây dựng không thể thiếu cát. Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thì nhìn nhận, lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn có tài nguyên nước, khoáng sản dồi dào, tuy nhiên việc khai thác nguồn nước chưa phù hợp, khai thác cát quá mức đã dẫn tới sạt lở nghiêm trọng. Thực tế, Đà Nẵng cũng phải đối mặt với tình trạng sạt lở một số điểm ven biển và sông. Do đó, kiến nghị cơ chế quản lý lưu vực sông này hiệu quả, đảm bảo không gây sạt lở hạ lưu đang rất cấp bách.

TS Vũ Thị Lan Hương, đại diện Nhóm tư vấn của Jica cho biết, sự gia tăng hoạt động của con người làm thay đổi trạng thái cân bằng bùn cát lưu chuyển trên dòng chảy dẫn tới sạt lở nhiều nơi. Cụ thể, tại vùng thượng lưu thì xây đập thủy điện, vùng trung lưu khai thác cát, hạ lưu thì nạo vét đường thủy, thi công cầu, khu nghỉ dưỡng, đê kè bảo hộ. Từ năm 2008 tới nay khoảng 10 triệu m3 cát đã được khai thác trên lưu vực sông, chưa kể khai thác cát trái phép không thống kê được. Ở thượng nguồn các hồ đập thủy điện đã chiếm gần 50% tổng diện tích toàn lưu vực. Ở bờ biển, việc xây các khu khách sạn trong vùng dễ bị sạt lở kèm theo việc xây các loại kè bảo vệ làm gián đoạn quá trình vận chuyển bùn cát dọc bờ góp phần làm tốc độ sạt lở bờ biển nhanh hơn. Tại Cửa Đại, kết quả cho thấy lượng bùn cát ra cửa sông giảm 14% do xây dựng đập và giảm 24% do hoạt động khai thác cát trên lưu vực sông. Trong giai đoạn từ 1997 đến 2017, lượng cung cấp bùn cát cho cửa sông Cửa Đại đã giảm 40%.

Tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại.

"Cứu" phải đúng "thuốc"

Theo TS Hương và nhóm nghiên cứu, các biện pháp triển khai cứu bãi biển Cửa Đại đã được triển khai song không hiệu quả, thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến khu vực lân cận. Hiện tại tình trạng sạt lở có xu hướng lan xuống bãi biển An Bàng. Nguyên nhân của việc "cứu" sai cách là không tính đến quá trình vận chuyển bùn cát dọng bờ. TS Hương ví dụ, đợt lũ cuối năm 2016 một cửa sông mới được hình thành cung cấp lượng bùn cát lớn về phía Bắc, tuy nhiên việc xây dựng cọc cừ thép ở đây đã ngăn không cho bùn cát vận chuyển đến khu vực phía Bắc, do đó bờ biển Cửa Đại vẫn tiếp tục bị sạt lở. Hoặc, việc xây kè cứng tại vùng sạt lở dễ bị sói lở chân kè do dòng chảy đáy xuất hiện, dẫn tới sụp đổ của kè. Hơn nữa cát bị giữ lại sau kè không thể vận chuyển gây ra việc thiếu hụt bùn cát dọc bờ trên diện rộng.

Ông Kenichiro Tachi, chuyên gia của Jica cho biết, để giải quyết bài toán sạt lở bờ biển, cụ thể là biển Cửa Đại một cách căn cơ cần giải pháp tổng thể quản lý cả lưu vực sông. Chẳng hạn như việc khai thác cát hiện nay được đề xuất dựa trên khối lượng và yêu cầu cho các hoạt động kinh tế mà chưa dựa trên đánh giá ảnh hưởng của khai thác cát với nguồn cung bùn cát trên lưu vực sông. Việc tính toán, khảo sát định lượng sạt lở do xây dựng các công trình trên sông, biển chưa được tiến hành đầy đủ. Không có tổ chức nào được giao trách nhiệm quản lý bùn cát ở cấp lưu vực sông. Do đó, giải pháp dài hạn để chống sạt lở là phải quản lý được tổng hợp lượng bùn cát dịch chuyển trên lưu vực sông thông qua việc khắc phục các hạn chế nêu trên. Theo phân tích của Jica, hiện bờ trái Cửa Đại bùn cát về ít nên sạt lở nghiêm trọng, còn bờ phải lượng bùn cát về nhiều hơn nên không sạt lở.

Trong ngắn hạn, cần xây đê kè chỉnh trị phía cửa sông để điều chuyển lượng bùn cát về phía bờ trái nhiều hơn sẽ hết sạt lở. Hoặc một giải pháp khác là "nuôi bờ", tức là xúc cát từ bờ phải đổ vào bờ trái. Giải pháp nuôi bãi này mỗi năm tốn khoảng 500 ngàn m3. Theo nguyên lý tự nhiên, mùa mưa bão bờ biển sẽ bị xâm thực, hút cát dọc bờ nhưng mùa hè sẽ bồi đắp lại. Tuy vậy, theo ông Lê Trí Thanh, thời gian gần đây, lượng bùn cát lấy đi ở Cửa Đại rất lớn mà bồi lại một lượng rất nhỏ. Các chuyên gia Jica chia sẻ, tùy theo mùa, có thể mưa bão lớn thì bùn cát ven bờ bị lấy đi nhiều, mùa hè bù lại ít. Ở Nhật cũng xảy ra hiện tượng này, song các nhà hoạch định tính toán trong chu kỳ 50 năm, lượng cát hao hụt mỗi năm bao nhiêu do "lấy đi" và "trả lại" để tính toán số lượng cát cần "nuôi bãi" phù hợp, đảm bảo giữ được bãi biển không bị xói lở.

Với những kiến nghị của Jica, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kỳ vọng có thể sớm cứu được biển Cửa Đại đang bị sạt lở, đã ảnh hưởng tiêu cực nhiều lĩnh vực đời sống địa phương.

HẢI QUỲNH