Con đường mùa đông
Mỗi ngày, từ ngõ nhà chạy xe chầm chậm trên con đường bê-tông thẳng tắp, hai bên là nhà cửa san sát, rồi chừng mươi lăm phút là tôi đã ra đến đường cái quan về trung tâm huyện. Trời mùa đông nơi dải đất miền Trung này, mưa tầm tã và cơ man nào là nước trên những cánh đồng đã qua mùa gặt. Cơn gió lành lạnh thoảng qua, bất chợt những con cò trắng run rẩy lụi hụi đi kiếm cái ăn trong sương sớm. Tôi đi dưới trời mưa nhưng chiếc xe vẫn bon bon trên con đường bê-tông phẳng lì. Và trong tâm khảm sâu xa, không hiểu sao tôi bỗng rưng rưng hoài niệm về một miền ký ức với những con đường quê ngày nào...
![]() |
Đi học dưới mưa. |
Tôi nhớ da diết con đường học trò len lỏi trong những hàng tre xanh um trùm bóng mát rượi, nhớ những cây xoan nở hoa tim tím rơi rụng vương vấn trên đường. Nhớ con đường lầy lội bùn đất nhão nhẹt mà ngày nào đi học cũng cầm dép lên và xắn quần đến gối. Chừng bắt đầu vào đông, tháng chín tháng mười rồi tháng mười một, mười hai là đất trời đổ xuống những cơn mưa lạnh giá, mặt đường đầy bùn nước trơn trợt bất cứ lúc nào. Ngày ấy, lũ trẻ nhà quê chúng tôi đến trường lếch thếch trên tay nào dép, nào sách vở, rồi đứa nào đứa nấy cũng mím môi lại, múm chân dò từng bước trong tiết trời đông. Tôi còn nhớ hai nhóc bạn là con Uyên và thằng Nam tính tình lanh chanh, hay vô ý mải lo bi bô đủ chuyện trên trời dưới đất nên không để ý, có lúc bị trượt ngã nháo nhào, áo quần sách vở lấm lem phải bật khóc và mò lại về nhà bỏ dở buổi học. Những lúc đó tôi nhìn thấy thảm thương, còn chúng bạn thì cười ngặt nghẽo cho những lần "chụp ếch" không công. Ông bà nói chí lý lắm, "trời tháng mười chưa cười đã tối', nên vào mùa đông, buổi học dường như kết thúc sớm hơn. Nhất là học vào buổi chiều, trời nhá nhem tối lúc nào chẳng hay. Mà trên con đường về nhà mưa vẫn cứ rả rích, quanh bụi cây bờ ruộng dọc đường là tiếng ùng ình của lũ ếch nhái, ễnh ương thi nhau tấu lên khúc nhạc mùa đông chốn đồng quê cô quạnh, hoang vắng. Có nhiều hôm, trời sẩm tối, mưa lại càng nặng hạt, bọn nhóc chúng tôi vẫn dọ bước trên con đường quê ngoằn ngoèo, bùn nước nhão nhoẹt. Ai nấy cũng hối hả bước đi trong lúc bụng đói cồn cào, nhất là thèm được về đến nhà, bưng chén cơm nóng hôi hổi ăn với món cá thính kho, mắm cá, muối đậu, muối mè hay dưa gang muối... là những thức ăn hàng ngày mùa đông của làng tôi bấy giờ. Con đường quê mùa đông dưới mưa lúc ấy bỗng thoảng cơn gió lùa đưa lại mùi thơm từ làn khói mái tranh nhà ai ven đường, mùi cơm nóng tỏa thơm phức như càng thôi thúc những đôi chân trần...
Con đường mùa đông trong tôi ngày ấy còn là con đường chăn trâu, chăn bò, cắt cỏ. Trời lất phất mưa phùn, cánh đồng dọc sông gió thổi thông thốc, lũ nhóc chúng tôi đứa nào cũng co ro. Chiếc áo mưa mỏng tanh càng "chênh vênh" nhưng dường như "thi gan" với ông trời. chúng tôi vẫn kiên nhẫn mỗi sớm mai hay đầu chiều là lùa trâu bò ra đồng. Đứa nào học buổi sáng thì chăn trâu buổi chiều và ngược lại. Con đường làng càng lầy lội hơn bởi những vết chân trâu lội bì bõm những bùn đất. Nhưng đi hết con đường làng là mở ra cánh đồng, dù hiu hắt mỗi độ mùa đông về nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình bạn đoàn kết, vui vẻ của những đứa trẻ chăn trâu trong làng, và vui hơn cả là cùng với con trâu, con bò- con vật yêu quý của nhà nông ngày ấy cùng... đồng hành dưới mưa. Từ mỗi ngôi nhà thân yêu mái rạ mái tranh ướt sũng, đứa nào cũng lon ton với con trâu con bò nhà mình gọi nhau í ới rồi băng qua những ngả đường làng quen thuộc, lùa trâu bò ra đồng. Cuối buổi, đàn trâu bò no nê đủng đỉnh đi về mà bụng đứa nào cũng thon thót vì đói bụng và vội vội vàng vàng ăn cơm rồi chuẩn bị đi học. Chao ôi, nhớ lại thấy thương con đường mùa đông, nơi ấy ghi dấu biết bao kỷ niệm của ngày xưa gian khó...
Con đường mùa đông ở quê nhà ngày xưa còn hằn in vết chân ba mẹ ra đồng làm lụng, Mẹ quang gánh ra đồng dọn cỏ bờ ruộng cho mùa sau, cha lấp lại mấy lỗ hổng chuột đồng đào phá nát trong ngày giao mùa. Tôi thấy có bao giờ ba mẹ rảnh rang đâu, suốt ngày trong vườn ngoài đồng, mặc mưa gió lạnh thấu... Ngày nào ba mẹ cũng nhắc nhở chị em tôi, rằng mùa đông trời mưa, đi ra đường dò bước cẩn thận, chớ ham đùa nghịch mà sảy chân ngã nhào. Nói rồi, ba mẹ thoăn thắt ra đồng, tôi chạy ra đầu ngõ thì đã thấy bóng dáng cha mẹ liêu xiêu nhỏ dần trong làn mưa và khuất cuối con đường làng...
Mỗi ngày hôm nay, tôi lại đi trên con đường làng. Diện mạo xóm làng nay đã thay đổi nhiều và đời sống của người dân đã được nâng lên. Những con đường nho nhỏ, đầy bùn đất mỗi khi mùa đông về đã được "thay da đổi thịt" bằng những con đường bê-tông phẳng lì, chắc chắn. Sự đổi đời ở làng tôi cũng như bao vùng quê khó nghèo lam lũ khác bắt đầu từ những con đường ấy mở ra cuộc sống thuận tiện và đầy đủ hơn. Nhưng trong tận sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những con đường quê xưa. Lòng có lúc như chùng lại khi hiển hiện ra hình ảnh cha mẹ, bạn bè, những người hàng xòm thân yêu ngày nào rong ruổi trên con đường quê với bao nhọc nhằn. Bỗng chợt nhớ câu thơ của nhỏ bạn hàng xóm hay tếu táo "Đứng bên ni đường bắt tay bên tê đường". Lòng lại chạnh nhớ những con đường quê xưa...
T.N