COVID-19 diễn biến phức tạp do biến thể Ấn Độ lan rộng
Tình hình dịch COVID-19 tại nhiều nước khu vực Đông Nam Á tiếp tục có những diễn biến phức tạp và nguy hiểm khi phát hiện những ca mắc biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ.
![]() |
Một phụ nữ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 Sinovac ở Bangkok, Thái Lan ngày 7-4. Ảnh: THX |
Ấn Độ sắp chạm mốc 20 triệu ca
Ngày 3-5 là ngày thứ 12 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca COVID-19 trong vòng 24 giờ, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên gần 20 triệu ca. Trong vòng 24 giờ, Ấn Độ ghi nhận thêm 368.147 ca mắc COVID-19 và 3.417 ca tử vong do dịch bệnh này. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 19,93 triệu ca, trong đó có 218.959 ca tử vong. Các chuyên gia y tế cho rằng, con số thực tế có thể cao gấp 5-10 lần con số thống kế. Các bệnh viện tại Ấn Độ đang phải hoạt động hết công suất, nguồn ô-xy y tế đang cạn kiệt, trong khi các nghĩa trang, các lò hỏa táng cũng phải làm việc không ngừng nghỉ.
Báo Times of India ngày 3-5 dẫn nguồn tin chính quyền cho biết Chính phủ Ấn Độ ít có khả năng sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc do lo ngại những tác động đến kinh tế, mặc dù đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và áp dụng biện pháp phong tỏa phù hợp để phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS CoV-2. Trước đó, Bộ Y tế Ấn Độ đã đề xuất thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại ít nhất 150 quận, huyện trong tổng số 741 quận huyện trên cả nước. Đây là những địa phương có tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh từ 15% trở lên. Bộ này cũng để cho các bang tự quyết định về mức độ áp dụng các biện pháp hạn chế.
“Theo tôi, chỉ có lệnh “ở nhà” trên toàn quốc và tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp mới có thể giúp đối phó với tình hình hiện nay”, Giáo sư Bhramar Mukherjee về dịch tễ học tại Đại học Michigan cho biết trên Twitter. Trước đó, báo Indian Express dẫn lời ông Anthony Fauci - cố vấn hàng đầu về đại dịch COVID-19 của chính quyền Mỹ, nói rằng Ấn Độ nên áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vài tuần để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm tăng đột biến như hiện nay. Ông lưu ý không nhất thiết phải phong tỏa toàn quốc trong 6 tháng mà chỉ là tạm thời để chấm dứt chu kỳ lây nhiễm.
Mặc dù là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ không có đủ vaccine ngừa COVID-19 để đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh hiện nay. Từ tháng 1-2021 tới nay, gần 10% dân số Ấn Độ đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, nhưng mới chỉ khoảng 1,5% nhận đủ 2 mũi tiêm, dù Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Hiện Mỹ, Anh, Đức và một số nước khác đang gấp rút gửi các bộ xét nghiệm, ô-xy y tế cùng các vật tư y tế cần thiết khác tới Ấn Độ để hỗ trợ nước này đối phó dịch COVID-19 cũng như tăng cường sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Biến thể Ấn Độ lan rộng
Trong khi đó, biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ đã lan tới ít nhất 17 nước trong đó có Anh, Thụy Sỹ, Iran… và nhiều nước Đông Nam Á.
Ngày 3-5, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin thông báo nước này vừa ghi nhận tại thủ đô Jakarta hai trường hợp nhiễm biến thể kép B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Đây là loại biến thể có khả năng lây lan cao. Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, ông Budi cho biết thêm Indonesia cũng đã ghi nhận một ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện từ Nam Phi ở Bali. Tuần trước, quốc gia Đông Nam Á này đã ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài ở Ấn Độ trong 14 ngày trước đó.
Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM) từ ngày 4-5 tới ngày 17-5, đồng thời mở rộng ra 30/34 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước. Ông Airlangga Hartarto Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia cũng khẳng định rằng chính phủ sẽ thực hiện nghiêm lệnh cấm người dân rời khỏi khu vực thành thị về quê trong kỳ nghỉ lễ Hồi giáo Eid al-Fitr.
Tại Malaysia, ngày 2-5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết, nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Ông Adham cho biết biến thể B.1.617 được phát hiện ở một công dân Ấn Độ tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur song không nói rõ khi nào phát hiện ca nhiễm biến thể này. Trước đó, hôm 28-4, Malaysia đã cấm các chuyến bay qua lại với Ấn Độ và cấm nhập cảnh đối với mọi du khách từng đến quốc gia Nam Á này nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Quốc gia Đông Nam Á này ngày 2-5 thông báo có thêm 3.418 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 415.012 ca, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia thông báo ngày 3-5, nước này ghi nhận thêm 841 trường hợp mới dương tính với SARS-CoV-2. Đây là số ca mới trong ngày nhiều thứ 2 từ trước đến nay tại Campuchia. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 15.361 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Campuchia thông báo trong ngày qua cũng có thêm 4 trường hợp tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Campuchia lên 106 người. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Chính phủ Campuchia đã giao cho Quân đội phụ trách chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc tại các “vùng đỏ” - vùng có nguy cơ lây nhiễm cao tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal).
Ngày 3-5, Thái Lan đã ghi nhận thêm 31 ca tử vong virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 2.041 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 71.025 ca. Tổng số ca tử vong hiện ở mức 276 ca. Sự hoành hành của biến thể từ Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh đã khiến số ca nhiễm và tử vong trong làn sóng gây nhiễm lần này tại Thái Lan hiện chiếm hơn một nửa tổng số ca kể từ khi bùng phát dịch. Đến nay, Thái Lan đã tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 triệu dân, trong đó có gần 400.000 người (chiếm 0,58% dân số) đã được tiêm đủ 2 mũi. Thái Lan đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Bộ Y tế Lào chiều 3-5 cho biết nước này đã ghi nhận 33 ca mắc COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh, thành trong 24 giờ qua, giảm hơn 3 lần so với 112 ca được phát hiện trong ngày 2-5. Đến thời điểm hiện tại, 18/18 tỉnh, thành của Lào vẫn trong tình trạng phong tỏa đến hết ngày 5-5. Hiện các giới chức Lào cũng đang thảo luận về việc có nên gia hạn tình trạng này thêm một thời gian nữa hay không.
AN BÌNH