Cuộc chiến chống thuốc phiện của Mỹ ở Afghanistan (Kỳ 1: Ngành công nghiệp heroin)
Mỹ chi 1,5 triệu USD mỗi ngày kể từ năm 2001 để chiến đấu với cuộc chiến thuốc phiện ở Afghanistan. Vậy tại sao hoạt động sản xuất ma túy tại đây vẫn bùng nổ?
|
Hoạt động sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan đã tăng hơn 4 lần trong 15 năm qua. Ảnh: BBC |
Vào tháng 11-2017, camera quan sát ban đêm cho thấy một mạng lưới đường phố tại một thị trấn thuộc tỉnh Helmand, trung tâm trồng cây thuốc phiện của Afghanistan. Camera quay xung quanh các mục tiêu trước khi tên lửa được bắn. Tổng cộng có 9 vụ không kích, mỗi vụ tấn công một tòa nhà riêng lẻ trong một loạt vụ nổ gần như đồng thời.
Đây là ví dụ điển hình về ném bom chính xác, sử dụng các công nghệ quân sự tiên tiến nhất từng được phát minh, bao gồm máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và súng phóng tên lửa chiến thuật M142. Đoạn băng về cuộc tấn công này, trong đó 8 thường dân Afghanistan thiệt mạng, là một trong số hàng loạt đoạn băng được quân đội Mỹ công bố trực tuyến. Đây là bằng chứng sống động về tiến trình của chiến dịch ném bom kéo dài một năm có tên “Iron Tempest”.
Bùng nổ
Thuốc phiện tồn tại mạnh mẽ trong cuộc xung đột ở Afghanistan, hiện là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lợi nhuận từ heroin được sử dụng để tài trợ cho Taliban, cũng như các nhóm khủng bố như IS và Al-Qaeda. Và heroin cũng thúc đẩy nạn tham nhũng tràn lan đang ăn mòn xã hội dân sự ở Afghanistan.
Trồng thuốc phiện là một tội danh rất nghiêm trọng ở Afghanistan, bị trừng phạt bằng cái chết. Nhưng rõ ràng, việc trồng cây thuốc phiện được thể chế hóa vào năm 2016. Những trang trại thuốc phiện được trồng ngay trong khu vực do chính phủ kiểm soát. Nông dân không cần phải giấu giếm những gì họ đang trồng, vì hàng ngàn cây thuốc phiện đang mọc lên trên cánh đồng, chỉ cách sân bay Mazar-e-Sharif nửa giờ và ngay bên cạnh con đường chính.
Thuốc phiện được cạo lấy nhựa vào đêm hôm trước và qua đêm nhựa cây đã chảy ra dưới dạng vảy đen. 5 hoặc 6 người đàn ông đang làm việc tại nhà máy, cạo mủ bằng dụng cụ hình liềm. Taza Meer, một nông dân, thoải mái trò chuyện dưới sự bảo vệ của một người đàn ông đang đeo khẩu AK47 trên vai. “Đừng lo lắng về anh ấy. Anh ấy là cảnh sát địa phương”, Meer nói.
Sản lượng kỷ lục
4 ngày trước khi “Chiến dịch Iron Tempest” bắt đầu vào tháng 11-2017, Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tuyên bố, trồng cây thuốc phiện đã tăng hơn 120.000 ha chỉ trong một mùa. Khi Mỹ và quân đội Anh kéo quân đến Afghanistan tháng 10-2001, thuốc phiện được trồng trên khoảng 74.000ha. Những con số mới cho thấy, sản xuất tăng hơn 4 lần trong 15 năm: Hiện giờ thuốc phiện được trồng trên 328.000 ha.
Và cũng có một sự thay đổi khác. Trước đây, mủ thuốc phiện sẽ được sấy khô và nhập lậu ra khỏi Afghanistan dưới dạng bột nhão để được tinh chế ở nơi khác. Giờ đây, các quan chức Afghanistan và phương Tây ước tính rằng một nửa, có thể nhiều hơn, thuốc phiện Afghanistan đang được chế biến thành morphine hoặc heroin. Điều này làm cho việc buôn lậu trở nên dễ dàng hơn và cũng làm tăng ồ ạt lợi nhuận cho những kẻ buôn lậu ma túy và Taliban, những kẻ được cho là phải chịu “thuế” khoảng 20% lợi nhuận.
Trên đường phố Mỹ
Sự gia tăng đột biến sản xuất heroin xảy ra vào thời điểm nước Mỹ đang vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ma túy. Nhà Trắng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia vào tháng 10-2017. Hơn 2 triệu người Mỹ nghiện ma túy và quá liều ma túy đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, cao hơn cả các vụ đâm xe và bạo lực súng đạn.
Các quy tắc về kê đơn thuốc có chứa chất gây nghiện ở Mỹ được thắt chặt, vì vậy người nghiện ngày càng chuyển sang dùng heroin, cũng như ma túy tổng hợp, chẳng hạn như Fentanyl. Và, tất nhiên, Afghanistan là nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Theo quân đội Mỹ, 90% heroin trên thế giới được sản xuất từ thuốc phiện được trồng ở Afghanistan. Nó chiếm 95% thị trường ở Châu Âu, 90% thị trường Canada. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên là heroin Afghanistan được cho là chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thị trường Mỹ. Cơ quan Thực thi Ma túy Mỹ tuyên bố chỉ có 1% nguồn cung của Mỹ là từ Afghanistan. Hầu hết heroin được sử dụng ở Mỹ đến từ Mexico và các quốc gia Nam Mỹ.
Tuy nhiên, như với bất kỳ mặt hàng nào, nếu có thêm trên thị trường, giá cả sẽ giảm và Cơ quan Thực thi Ma túy Mỹ ngày càng lo sợ rằng sản xuất đang gia tăng ở Afghanistan sẽ làm tăng nguồn cung trên thế giới và đẩy giá xuống, khiến người Mỹ càng dễ tiếp cận hơn.
AN BÌNH
(còn nữa)