Đà Nẵng phải làm cho du khách trở lại nhiều hơn
Đó là yêu cầu của ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tại buổi lễ triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Sở Du lịch tổ chức vào ngày 24-1. Ông Chinh cho rằng, dù lượng du khách đến Đà Nẵng ngày càng nhiều nhưng chủ yếu mới chỉ là các thị trường truyền thống, quan trọng hơn là tỷ lệ người trở lại vẫn còn khiêm tốn, ở lại chưa lâu, chi tiêu chưa nhiều.
|
Khách du lịch được lì xì khi đến Đà Nẵng đầu năm mới 2019. |
Đối mặt áp lực tăng trưởng nóng
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trong năm 2018, thành phố đón 7,66 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với lượng khách tăng 15,5% so với năm 2017, thành phố thu về 24.000 tỷ đồng từ hoạt động du lịch. Nhờ công tác quảng bá, xúc tiến được tăng cường, nhiều đường bay mới được mở, lượng khách quốc tế đạt con số ấn tượng với 2,87 triệu lượt (tăng 23,3%). Sự tăng trưởng của ngành du lịch cũng thể hiện qua con số về cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch cũng như các sản phẩm, điểm đến. Hiện tại Đà Nẵng đã vượt lên đứng thứ hai cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) về tổng số cơ sở lưu trú với 785 khách sạn, 35.615 phòng ở các phân khúc. Thành phố cũng đã có tới 331 đơn vị kinh doanh lữ hành, 4.099 hướng dẫn viên, kèm theo đó là nguồn nhân lực dồi dào ở các khu điểm du lịch, buồng phòng, lễ tân, bếp.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh, mạnh và “nóng” cũng đang đưa ngành Du lịch Đà Nẵng đối mặt với nhiều thách thức, có lĩnh vực khó kiểm soát. Theo bà Hạnh, sự bùng nổ về thị phần khách Trung Quốc, Hàn Quốc đã đóng góp vào nguồn thu cho thành phố nói chung và ngành du lịch nói riêng. Tour du lịch “giá rẻ” ở thị trường này ở góc độ nào đó góp phần giải quyết việc làm, gia tăng lượng khách quốc tế nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường du lịch và gây thất thu. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, ban hành 54 quyết định xử phạt với tổng số tiền 336,9 triệu đồng. Trong đó, có 8 trường hợp người nước ngoài vi phạm hướng dẫn du lịch. Tổ phản ứng nhanh du lịch đã tiếp nhận thông tin phản ánh và kiểm tra xử phạt các trường hợp vi phạm tương tự.
Cũng trong năm 2018, Cục Thuế đã tiến hành kiểm tra 54 đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, giám sát 388 hồ sơ khai thuế của 93 đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, phát hiện 9 trường hợp xuất khống 953 hóa đơn, doanh thu xuất khống là 4,1 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị đã xác định 43 đơn vị kinh doanh lữ hành, chuỗi các cơ sở mua sắm có rủi ro cao về thuế đưa vào diện chống thất thu, đã tiến hành kiểm tra, qua đó xử lý 25 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt 2,125 tỷ đồng. Đặc biệt, đã chuyển công an đề nghị điều tra xử lý 2 trường hợp với doanh thu bỏ ngoài sổ sách trên 100 tỷ đồng đồng thời tiếp tục hoàn thành hồ sơ 6 đơn vị vi phạm còn lại.
Đề cập đến vấn đề tăng trưởng nóng, ông Nguyễn Dương Nguyên Vũ – Giám đốc Kinh doanh khách sạn Furama cho biết, với việc số lượng cơ sở lưu trú không ngừng tăng, Đà Nẵng cần thiết phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, kết nối để khai thác thị trường, đa dạng hóa nguồn khách. Vì ngoài các đợt cao điểm thì một số tháng trong năm nhiều khách sạn lâm vào cảnh vắng khách, công suất buồng phòng không đạt. “Chúng ta thường nói về thị trường mà ít nói đến thị phần. Ngành du lịch rất cần tìm nguồn khách mới. Phải mở rộng thêm các đường bay, hướng tới thị trường không cần visa, thị trường Châu Âu. Không thể cứ mãi phụ thuộc vào thị trường truyền thống để tránh những hệ lụy như đã từng xảy ra”, ông Vũ đề xuất. Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng, trong thời gian qua một số doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành cảm nhận môi trường du lịch phần nào bị ảnh hưởng bởi các câu chuyện “nóng” như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, Đà Nẵng phải có các giải pháp căn cơ để đồng bộ hạ tầng của các lĩnh vực tương xứng với tốc độ phát triển của ngành du lịch.
Phải làm mới!
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, ngành du lịch đã có sự bứt phá ấn tượng trong những năm qua với việc vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Ngay đầu năm 2019, việc lọt vào top 52 điểm đến hấp dẫn do tạp chí danh tiếng The New York Times bầu chọn sẽ là cú hích để hình ảnh của Đà Nẵng đến với thị trường du lịch có mức chi tiêu cao, đặc biệt là thị trường nói tiếng Anh. Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội đang có, ngành du lịch phải khắc phục được những hạn chế, từng bước hướng đến chuyên nghiệp, bền vững.
Ông Chinh cho rằng, năng lực nghiên cứu thị trường của du lịch Đà Nẵng vẫn còn hạn chế, kết nối chuỗi cung ứng trong dịch vụ du lịch chưa cao, doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh yếu. Bên cạnh đó, là một thành phố biển nhưng Đà Nẵng còn thiếu dịch vụ thể thao giải trí biển, các điểm du lịch giải trí về đêm, nhiều sản phẩm còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Đây là nguyên nhân quan trọng trong việc thu hút, mời gọi, giữ chân du khách đến và trở lại. “Khách ở các thị trường truyền thống đến với mình thì cơ bản ổn rồi, nhưng các thị trường tiềm năng, có thể khai thác được vẫn còn ít quá. Quan trọng hơn là ngành du lịch có thống kê được tỷ lệ khách trở lại hay không? Theo tôi được biết thì không nhiều. Nếu như vậy, trong hoàn cảnh khách truyền thống sụt giảm thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta phải có giải pháp căn cơ để làm mới mình, khiến người ta đến nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn và trở lại nhanh hơn”, ông Chinh nói.
Ông Chinh cũng cho rằng, để xây dựng môi trường du lịch bền vững thì chỉ một mình Sở Du lịch là không đủ mà cần sự vào cuộc đồng bộ của rất nhiều ngành, địa phương. “Một sự việc liên quan đến ANTT, ATGT, an toàn thực phẩm hay môi trường, giá cả… đều có thể để lại hậu quả rất khó lường cho ngành du lịch. Chính vì vậy Đà Nẵng rất cần và phải giữ được môi trường an bình, bền vững, phải có sự chung tay của chính quyền, các sở ngành, doanh nghiệp, người dân”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
* Dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân thuộc Sở Du lịch Đà Nẵng có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thành công các sự kiện năm APEC 2017. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng tặng Bằng khen cho 6 tập thể; Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực du lịch trong năm 2018.
ĐÔNG A