Đà Nẵng tăng tốc chuyển đổi số
Sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những giá trị mới gần như là xu hướng phát triển bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Với nền tảng hiện tại, Đà Nẵng có điều kiện tốt để phát triển kinh tế số và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh hơn.
![]() |
Các dự án công nghệ đang được triển khai xây dựng tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park). |
3 thành tố quan trọng để chuyển đổi số thành công gồm chính quyền số, doanh nghiệp số và công dân số đều được triển khai đồng bộ tại Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng có số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao trong tốp đầu cả nước, có hàng loạt ứng dụng thông minh phục vụ người dân từ du lịch, y tế, môi trường, giao thông… Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng số, tài nguyên số để tạo ra hệ sinh thái dữ liệu mở, TP còn tập trung xây dựng các nền tảng thông minh dựa trên kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn. Trong đó, ưu tiên hiện nay là xây dựng trung tâm giám sát điều hành TP thông minh, đây là bộ não của TP hỗ trợ vận hành chính quyền đô thị và cung cấp các dịch vụ thông minh. Ông Nguyễn Thành Trung- Giám đốc Viettel Đà Nẵng cho biết, để phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng 4.0 nhất thiết phải đầu tư hạ tầng công nghệ. Vì thế, Viettel mong muốn hợp tác với Đà Nẵng triển khai hạ tầng 5G, IOT, trung tâm dữ liệu…Cụ thể, ngay năm 2021, Viettel đề xuất đồng hành cùng Đà Nẵng xây dựng trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh trong các ứng dụng của Đề án TP thông minh từ giáo dục, y tế, giao thông hay đưa sản phẩm máy bay không người lái vào trong cứu hộ, giám sát đô thị…
Để thúc đẩy phát triển DN số, Đà Nẵng cũng tập trung mạnh xây dựng hạ tầng các khu CNTT, công nghệ phần mềm (CVPM), mở ra nhiều ưu đãi để thu hút các dự án công nghệ lớn vào đầu tư. Hiện Đà Nẵng có 2,1 DN công nghệ số/1 ngàn dân, cao hơn 4 lần trung bình cả nước, chiếm 20% DN toàn TP. Doanh thu ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng năm 2020 đạt gần 20 ngàn tỷ đồng, thu hút khoảng 40,5 ngàn nhân lực. Riêng trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, Đà Nẵng đã hình thành nhiều tên tuổi lớn như FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit, Global Cybersoft… Trong những năm qua, số lượng DN CNTT của TP tăng trung bình 35%/năm. Có được thành công này là nhờ quá trình chuẩn bị nền tảng hạ tầng CNTT từ sớm của TP. Chẳng hạn như việc phát triển sớm khu CVPM Đà Nẵng đã tạo mặt bằng, thu hút 69 DN đầu tư với 2,2 ngàn lao động. Trên đà đó, TP đẩy mạnh đầu tư hạ tầng CNTT, nổi bật như xây khu CVPM số 2 tổng vốn trên 700 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn công nghệ lớn cũng đổ về Đà Nẵng. Cụ thể như Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 với diện tích 131 ha, tổng mức đầu tư khoảng 666 tỷ đồng đã đưa vào hoạt động, hiện đang thi công 5 nhà máy SMT cùng hạ tầng kỹ thuật Phân khu A2 (phân khu sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ CNTT) của Danang IT Park với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Khu phức hợp sản xuất phần mềm FPT Complex do Tập đoàn FPT đầu tư đang hoạt động, thu hút 3,5 ngàn nhân lực, doanh thu năm 2020 khoảng 1,6 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, tập đoàn công nghệ CMC đang đẩy nhanh thủ tục để khởi công dự án Tổ hợp không gian sáng tạo tổng vốn đầu tư 12 ngàn tỷ đồng, trên diện tích hơn 17ha ở Hòa Xuân. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, chương trình trọng tâm của ngành trong năm 2021 là tập trung xây dựng hạ tầng các khu CNTT trong đó đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành khu CVPM số 2, triển khai Trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Hòa Xuân, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu CNTT, CVPM.
![]() |
Đà Nẵng hiện có khoảng 20 ngàn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. |
Trong thực hiện chuyển đổi số, nguồn nhân lực CNTT mang yếu tố quyết định. Trong số 40,5 ngàn nhân lực CNTT ở Đà Nẵng thì có 20 ngàn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. So với nhân lực làm việc trong lĩnh vực điện tử chủ yếu là thâm dụng lao động thì trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số phần lớn là nhân lực có chất lượng cao. Mặc dù vậy, so với yêu cầu phát triển, Đà Nẵng vẫn thiếu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đặc biệt nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh, an toàn, an ninh thông tin... Nhân lực CNTT chất lượng cao như Trưởng nhóm (Team Leader), Quản trị dự án (Project Manager), Kỹ sư cầu nối (Bridge Engineering)... khan hiếm trong khi nhu cầu DN về lực lượng này rất cao dẫn đến tình trạng chèo kéo, nhảy việc giữa các DN, khiến DN thiếu nhân sự giỏi và gắn kết lâu dài. Đây là áp lực rất lớn đặt ra với Đà Nẵng trong quá trình tăng tốc chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số hiện nay.
Có thể nói chuyển đổi số để phát triển kinh tế số gần như là xu hướng bắt buộc, đòi hỏi phải thật nhanh và phù hợp với các địa phương đã chuẩn bị sẵn nền tảng hạ tầng như Đà Nẵng. Trong thế giới phẳng, kinh tế số chủ yếu vẫn là sản phẩm sáng tạo từ trí tuệ, ngồi ở đâu cũng có thể làm việc và đưa sản phẩm ra toàn cầu với tốc độ nhanh kinh ngạc. Vì vậy môi trường sống tốt, trong lành, hấp dẫn, kích thích sáng tạo sẽ là cơ hội sẽ thu hút được nhân lực cao, và tốc độ chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn. Do đó, song song với nhóm giải pháp nền tảng hạ tầng, Đà Nẵng cần xây dựng môi trường sống hấp dẫn, nhiều cơ hội khởi nghiệp.
HẢI QUỲNH