Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Thứ hai, 30/09/2019 11:53

Sáng 29-9, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 người, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội gồm 9 người, 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch.

 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực. Các ông Thân Văn Hùng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Visimex), Võ Quan Huy (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình), Vũ Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn) và bà Ninh Thị Ty (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm) giữ chức Phó Chủ tịch. Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng được bầu làm Tổng thư ký Hiệp hội.

 "Nhất định phải là nền nông nghiệp số"

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam ra đời là sân chơi chung nhằm tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến tại Việt Nam, thu hút đầu tư cho chế biến sâu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số tại Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội, ông Trương Gia Bình chia sẻ: Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang chứng kiến những khởi sắc rõ rệt nhất với những triển vọng to lớn, hứa hẹn sẽ là một trong những ngành đạt được bứt phá trong tương lai. Mục tiêu lớn nhất của VIDA là phấn đấu làm sao nông dân và doanh nghiệp của Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp. Đó nhất định phải là nền nông nghiệp số.

Hiệp hội dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng.

Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Hoàng Anh cho biết, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hiệp hội tập trung vào tham vấn chính sách, tư vấn xây dựng và hoàn thiện khung thể chế hiện đại cho nông nghiệp Việt Nam, thường xuyên tiếp nhận ý kiến, các vấn đề từ hội viên và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, tham khảo các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, tổng hợp, phân tích, đánh giá và đề xuất đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; lấy ý kiến và đại diện hội viên đóng góp các dự thảo chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp theo hướng số hóa; tham gia phản biện khoa học các đề án, dự án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng số hóa tại Việt Nam. Hiệp hội cũng tập trung số hóa ngành nông nghiệp, đem công nghệ hiện đại vào Việt Nam, xác định công nghệ là nền tảng của sự phát triển nông nghiệp theo xu hướng số hóa kinh tế nông nghiệp; xây dựng hệ sinh thái chuỗi giá trị nông nghiệp số tại Việt Nam, minh bạch quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường quốc tế…

Vai trò hạt nhân về công nghệ số nông nghiệp

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, VIDA đã lựa chọn cống hiến phục vụ ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn - một khâu khó nhất, tổng hợp nhất, thời đại nhất. Đây là sự lựa chọn của 500 thành viên ở Đại hội lần thứ nhất và là sự lựa chọn trí tuệ, bởi tiềm năng phát triển của nông nghiệp số rất lớn. Việc thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số là hướng đi rất đúng đắn. Nếu làm được sẽ tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại, kỹ năng quản trị, tố chất con người và khát vọng Việt Nam để khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nhấn mạnh đến 3 sứ mạng của Hiệp hội, Bộ trưởng đề nghị, mỗi thành viên Hiệp hội phải trở thành nhân tố điển hình nhất, hạt nhân về công nghệ số trong hệ sinh thái làm nông nghiệp; Hiệp hội trở thành cầu nối tham mưu, tư vấn, kiến nghị để Nhà nước hoàn thiện hệ sinh thái quản lý thuận lợi nhất; đưa ngành nông nghiệp  bước ra thế giới vững chắc, đàng hoàng ở thương trường thế giới. Không thể để Việt Nam trở thành quốc gia nông sản giá rẻ. Hiệp hội phải tìm những công nghệ tân tiến, hiện đại và tham mưu cho các doanh nghiệp, nông dân và những nhà hoạch định chính sách những sáng kiến để làm được điều đó, hợp lý hóa tất các khâu, các lĩnh vực trong hệ sinh thái ngành nông nghiệp để tạo giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững. Mong muốn Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam cùng với 14.800 hợp tác xã hiện tại, 8 triệu hộ nông dân viết tiếp câu chuyện nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới đây, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành, bất kỳ điều gì cần hỗ trợ, nếu nằm trong thẩm quyền, Bộ luôn sẵn sàng.

Tại Đại hội, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) trong việc thúc đẩy hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa Hiệp hội và các thành viên của EVFTA, cải cách chính sách cho lĩnh vực nông nghiệp số tại Việt Nam, tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bằng cách thúc đẩy các nhà sản xuất với các doanh nghiệp và tổ chức của châu Âu cải thiện và quảng bá nông sản Việt Nam, chia sẻ chuyên môn, thực tiễn tốt và các bí quyết về công nghệ. Cũng tại Đại hội, lãnh đạo Hiệp hội đã ký kết hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần truyền thông Sunrise nhằm thúc đẩy cam kết hợp tác, phối hợp tạo mọi điều kiện để thành viên, khách hàng hai bên tiếp cận sản phẩm thuận lợi, ưu đãi nhất, lãi suất cạnh tranh, hỗ trợ tổ chức các chương trình, sự kiện của Hiệp hội, các hội chợ hàng năm do Hiệp hội tổ chức.

THANH VÂN