"Đại sứ" của quá khứ!
Cuộc gặp gỡ với TS Đoàn Ngọc Khôi - Nhà khảo cổ học, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi- đã giúp tôi hiểu sâu hơn về nghề khảo cổ. Với tôi, họ là những người được quá khứ chọn làm "đại sứ" để chuyển tải thông điệp của thời đại mình đến với hiện tại và tương lai...
|
TS Đoàn Ngọc Khôi khai quật khảo cổ tại Thành Châu Sa. |
Người được quá khứ lựa chọn
Bước vào phòng làm việc của Phó Giám đốc Đoàn Ngọc Khôi, tôi lấy ngạc nhiên bởi nó trông giống nhà kho thu nhỏ chất đầy giấy tờ, tài liệu và một số hiện vật bằng đất nung. Khác với vẻ ngoài khô khan, khắc khổ, khi nói chuyện nghề, TS Khôi như "lột xác", trở nên sôi nổi như thể lâu rồi không được trút tâm sự... Càng nghe ông kể chuyện nghề, chuyện đời, tôi thầm nghĩ, nghề khảo cổ đã chọn đúng người. Là con trai út trong gia đình có 9 người con, cha làm nghề dạy học, từ nhỏ ông đã có thiên hướng tìm hiểu lịch sử. Năm 1984, ông đăng ký dự thi ĐH Tổng hợp Đà Lạt, chuyên ngành Dân tộc học và khảo cổ.
Ra trường, mải mê lang thang với nghề khảo cổ, học lấy bằng tiến sĩ nên 43 tuổi ông mới lấy vợ, là bác sĩ, nay đã có 3 con trai, cháu đầu mới học lớp 5 đã mơ ước lớn lên theo nghề khảo cổ của cha. Nghe con thổ lộ ước mơ, ông vừa vui vừa lo, bởi nghề khảo cổ rất vất vả. "Đồng nghiệp tôi bảo, nghề khảo cổ "bạc bẽo" bởi ít người thấu hiểu. Không ít người cho rằng làm nghề này chắc giàu lắm vì liên quan đến hiện vật, cổ vật! Nhưng đâu phải vậy! Bởi hiện vật là tài sản của quốc gia! Thế nên, làm nghề này bắt buộc phải có tâm! Để "giải mã" những bí ẩn dưới lòng đất trầm tích là một quá trình theo đuổi, dấn thân với nhiều nỗi niềm riêng chung mà không phải ai cũng thấu hiểu"- TS Khôi chia sẻ. Làm nghề này phải đi nhiều, biết chấp nhận mạo hiểm, làm việc trong những môi trường, điều kiện khắc nghiệt, khi thì ở dưới các hang động, lúc thì ở dưới lòng đất, hầm mộ, dưới nước... Tuy nhiên, khai quật chỉ là một phần của nghề khảo cổ. Thời gian mà các nhà khảo cổ ở trong các xưởng phục chế, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, làm việc với các chuyên gia khác nhau để "giải mã" chính xác những hiện vật được tìm thấy chiếm khá nhiều. Ẩn chứa trong các hiện vật được tìm thấy là những mong muốn của quá khứ gửi gắm đến thế hệ sau khám phá, giải mã.
TS Khôi ví von, người làm nghề khảo cổ là người được quá khứ chọn làm người trung gian để thực hiện công việc này. Vì thế, họ phải đóng đúng vai trò của mình để giúp người hiện đại biết về những gì mà quá khứ gửi gắm. "Khảo cổ là đi ngược về quá khứ, bổ trợ cho ngành Sử học. Bản chất của chuyên ngành khảo cổ vừa mang tính chất khoa học xã hội vừa khoa học tự nhiên (KHXH&KHTN). Theo đó, đối với KHXH thì phải có sự hiểu biết về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật..., KHTN thì phải có hiểu biết về mặt địa chất, địa tầng, thổ nhưỡng, toán trong khảo cổ như thống kê, định tính, định lượng... Khó nhất của nghề khảo cổ là khi khai quật phải đọc được địa tầng văn hóa đó; phải phân tích và diễn tả được mối quan hệ giữa tầng văn hóa cư trú đó với khu mộ táng, cư dân đó có mối quan hệ như thế nào, thuộc thời kỳ, thời đại nào? Sau đó đối chiếu, so sánh toàn bộ với tài liệu trên bình diện rộng, rồi thì chỉnh lý tài liệu... Khảo cổ là ngành "tiêu tiền". Các nước phương tây quan niệm khảo cổ là ngành sang, ai làm ngành này đều là con cháu quý tộc, được xã hội quý trọng. Nhưng ở Việt Nam, ngành khảo cổ còn... buồn lắm! Nếu không đam mê, biết dấn thân thì khó theo đuổi nghề này"- TS Khôi chia sẻ thêm.
Lấy quá khứ để phát triển hiện tại
Ngoài yếu tố về con người, kinh phí đóng vai trò quan trọng không kém trong công tác khảo cổ. Khi phát hiện dưới lớp trầm tích có hiện vật, di sản quốc gia mà bỏ lơ, không khai quật để bảo tồn, quản lý là vi phạm luật. Tuy nhiên, theo như TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết, ngành khảo cổ hiện chỉ dựa vào dự án; nếu không có dự án thì không thể khai quật, khảo cổ được do kinh phí Nhà nước đầu tư rất ít, không đủ để thực hiện công tác khai quật, khảo cổ. Ông đơn cử, Quảng Ngãi có gần 80 di chỉ, dấu tích Chămpa để lại bao gồm thành quách, đền tháp, mộ táng, giếng, trong đó riêng về đền tháp chiếm một nửa. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ mới khai quật được 5 di chỉ. Có di chỉ được ông phát hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng phải đến 26 năm sau mới tiến hành khai quật như Tháp Bút trên Núi Bút, hay di chỉ của nền văn hóa Sa Huỳnh ở thung lũng sông Tang (xã Trà Thọ, H.Tây Trà) phát hiện từ năm 1992 đến năm 2009 mới bắt đầu thăm dò, kết thúc khai quật năm 2012 với cuộc chạy đua nước rút trước khi mùa mưa ập đến. "Tại thung lũng Sông Tang, chúng tôi khai quật với diện tích 4.000 m2, tìm thấy được 100 mộ táng: chum, vò, đất và hàng nghìn hiện vật từ thời kỳ sơ kỳ kim khí đến giai đoạn sơ kỳ đồng thau, sơ kỳ sắt, từ mốc 3.000 năm cho đến mốc khoảng 2.000 năm cách ngày nay, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí chỉnh lý. Nhưng nhờ cuộc khai quật đó mà các hiện vật, di sản quý giá được bảo tồn. Dưới thung lũng sông Tang chứa cả bề dày lịch sử văn hóa Sa Huỳnh, góp phần làm rõ thêm tiến trình phát triển của nền văn hóa Sa Huỳnh trong dòng chảy của nó..."- TS Khôi bộc bạch.
Cũng theo TS Khôi, trong công tác bảo tồn, bảo vệ các di sản, cần phải làm sao để người dân, cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các hiện vật, di sản. Muốn làm được điều này, cần phải biết sử dụng và tận dụng những gì quá khứ để lại. Phải thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ di sản theo hướng: Sau khi khai quật, đưa những hiện vật điển hình về để tiếp tục nghiên cứu, quản lý, trưng bày tại các bảo tàng, còn lại để lại cho địa phương có di chỉ đó quản lý, phát triển du lịch. Không nên hoàn thổ, cắm cột mốc thông báo đã khai quật như cách trước đây đã làm. Một khi các hiện vật, di sản khai quật được bảo tồn theo hướng đem lại nguồn lợi về mặt khai thác du lịch gắn liền với nguồn lợi sinh kế đa dạng cho cộng đồng địa phương nơi có di chỉ, thì giá trị của hiện vật, di sản văn hóa mà quá khứ để lại sẽ phát huy triệt để.
Bí ẩn ẩn chứa dưới những lớp trầm tích luôn kích thích sự tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá của con người thì hiện tại để hiểu sâu xa cội nguồn, sự đa dạng, độc đáo của các nền văn hóa, lịch sử nhân loại. Và những nhà khảo cổ chính là "đại sứ" mà quá khứ lựa chọn để gửi gắm thông điệp của thời đại mình đến với hiện tại và tương lai.
P.Thủy