Để phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Thứ sáu, 07/03/2014 23:31

 (Cadn.com.vn) - Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã cùng dân tộc viết nên những trang sử vẻ vang và góp phần dệt thêu nên giang sơn gấm vóc. Những tên tuổi của các liệt nữ thời nào cũng có, kể từ thuở ban đầu dựng nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu...; đến thời nay như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Chiên, Hoàng Ngân, Ngô Thị Tuyển, Út Tịch, Nguyễn Thị Định...

    Trong sự nghiệp vẻ vang của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò và phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam. Tám chữ vàng mà Bác tặng phụ nữ Việt Nam đã khái quát đầy đủ và sâu sắc những giá trị và phẩm chất cao quý ấy: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Vì vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề bình quyền của phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng để xác định đường lối cách mạng và vận động quần chúng. Bác từng nói, giải phóng phụ nữ là giải phóng một nửa thế giới, nếu cách mạng không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa xã hội.

Tháng 5-1968, trong Di chúc Bác viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Tầm tư duy của Hồ Chí Minh không chỉ vượt qua những tư tưởng truyền thống phương Đông về phụ nữ mà đã tiếp cận và thấm nhuần sâu sắc các quan điểm tiến bộ của nhân loại và đặc biệt là các quan điểm cách mạng, vận động quần chúng cách mạng vô sản của Mác, Ăng-ghen, Lênin...

     Thật hiếm có vị lãnh tụ nào chăm lo cho phụ nữ thiết thực như Bác. Với lòng yêu nước thiết tha, thương dân vô hạn, yêu thương nhân loại bị áp bức bóc lột, cả cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày hay khi là lãnh tụ tối cao của cách mạng, Bác đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nâng cao vị thế người phụ nữ. Giải phóng phụ nữ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải giải phóng triệt để, toàn diện, giải phóng về chính trị, giải phóng về xã hội, giải phóng tâm lý tự ty, giải phóng lao động nặng nhọc cho phụ nữ…

      Thực hiện nam nữ bình quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ khỏi mọi áp bức, bất công, bất bình đẳng, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới. Sau gần 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với hơn 50% lực lượng lao động xã hội, lao động nữ có mặt ở hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, khoa học và có tỷ lệ cao trong các ngành giáo dục, y tế… Và, bất kỳ ở lĩnh vực, người phụ nữ mới cũng tiêu biểu cho những phẩm chất cao đẹp Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: Non sông gấm vóc đẹp tươi phần lớn do bàn tay chị em phụ nữ dệt thêu.

Có chồng là thượng úy Phan Văn Tình đang công tác tại đảo Trường Sa Đông, chị Cúc (Đà Nẵng) đã dần quen cảm giác thiếu vắng chồng. Những lúc nhớ anh, chị và con gái Bảo Thy thường lật từng trang ảnh. Không có anh bên cạnh mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, chị đều một tay gánh vác. Nhưng chị và con tự hào vì sự hy sinh ấy góp phần tạo nên làm anh yên lòng, chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Ảnh: Phương Mai

     Tuy nhiên, vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập, nhiều vấn đề là những khó khăn, thách thức mới đối với phụ nữ và giải phóng phụ nữ, đặc biệt là về: trình độ học vấn, chuyên môn; cơ hội có việc làm và thu nhập chưa cao; nhiều phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn xã hội; Luật pháp bảo vệ và bảo đảm nữ quyền cón nhiều điều chưa khả thi…

    Để nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam hiện nay thì đổi mới các chính sách đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn là cần thiết. Bởi người phụ nữ ở nông thôn có vị trí quan trọng hàng đầu, một khi những chính sách thay đổi sẽ làm thay đổi số phận những người phụ nữ nông thôn để cho họ thật sự làm chủ đất đai, tài sản của họ trên quê hương. Phụ nữ công nhân và doanh nhân có vai trò, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong quá trình CNH và hội nhập kinh tế quốc tế, đã xuất hiện nhiều tập thể công nhân lao động, doanh nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. Nên chăng Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ và tôn vinh những công nhân giỏi, những doanh nhân là nữ có tâm, có tài. Một lực lượng lao động có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới là nữ công chức, viên chức. Đây là lực lượng lao động được đào tạo cơ bản, một số có trình độ chuyên môn sâu và kỹ năng nghề nghiệp. Quan tâm lớn đối với lực lượng này là điều kiện, môi trường làm việc, cải cách chế độ tiền lương để họ có cuộc sống đảm bảo cho bản thân và gia đình…Cần một chính sách tôn vinh những nhân tài, đặc biệt là những nhà khoa học nữ.

 

 Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nữ là đại biểu quốc hội đạt tren 26%, cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; 83% nữ giới trong độ tuổi lao động có việc làm và phụ nữ có mặt ở hầu hết các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước với 68,7% cán bộ công chức và 30% chủ doanh nghiệp là nữ; 91% nữ giới là người trưởng thành biết chữ và có tới 30% đạt trình độ đại học… Đó là niềm tự hào lớn của phụ nữ Việt Nam.

Trong điều kiện kinh tế tri thức phát triển như hiện nay, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ có nhiều bước tiến vượt bậc trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, sự nghiệp giải phóng phụ nữ cần phải được đẩy mạnh hơn và bản thân người phụ nữ phải cố gắng vươn lên để là người lao động sáng tạo, hiệu quả, người công dân hoạt động xã hội tích cực và là người vợ, người mẹ của gia đình văn hóa. Chính sách đối với phụ nữ cần đổi mới hơn nữa để tạo điều kiện cho họ phát huy mọi khả năng, làm cho phụ nữ được sống trong những quan hệ xã hội bình đẳng, tự do, dân chủ, phát triển bền vững về vật chất, văn hóa, tinh thần.

Cần thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành. Toàn xã hội chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tạo điều kiện để phụ nữ thật sự là rường cột xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…Bên cạnh đó, sự cố gắng vươn lên của người phụ nữ là nhân tố quyết định nâng cao vị thế và đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân.

Phạm Văn Khánh