Đi để trở về
Cung đường về quê, gió rít, mưa quật thẳng vào mặt. Chiếc áo mưa tả tơi. Đôi bàn tay vít ga, mỏi nhừ. Bao nhiêu ổ gà, ổ voi, cứ mờ dần. Trước mặt là một khoảng dài thăm thẳm. Đã hai ngày liên tiếp, nó cùng đoàn người hồi hương chạy không biết mệt mỏi. Trong tâm trí lúc nào cũng nghĩ về ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi thoai thoải, ở đó có mẹ già, hai đứa em thơ. Mỗi buổi chiều đi làm đồng về bà thường bắt mấy con cua, con ốc, làm một bữa cho mấy anh em ngồi túm tụm lại. Món cua rang lên, ốc luộc lá sả, đêm mưa rả rích trên mái nhà. Mấy mẹ con ngồi quây quần bên nhau, kể chuyện xa xôi. Chuyện mai mốt anh hai sẽ đi đâu, làm gì, hai em nhỏ ở nhà phụ mẹ việc đồng áng và đi học. Tuổi thơ vất vả, cha lấy mẹ khi đã ngót nghét ba mấy tuổi. Khi nó ra đời, mái tóc cha đã lấm tấm sợi bạc. Rồi hai em sinh đôi. Vậy là nhà có năm miệng ăn. Quày quả với nhau, nhưng đầm ấm mà vui.
Ngày cha đi, mưa ào ạt rơi. Cha đi vội vàng, bất ngờ như lúc dịch dã tới. Tiếng trống, tiếng kèn, khô khan, rơi rớt qua con ngõ dài, chạy xuống sườn đồi. Nơi đó, cha nằm bình yên bên bà con, dòng họ.
Thế là nó quyết định rời quê, chọn miền Nam làm vùng đất hứa để kiếm lấy một cái nghề. Vừa làm, vừa học. Những năm đầu tiên, nó xin được vào một xưởng đóng tàu ở Vũng Tàu. Công ăn việc làm ổn định. Lâu lâu, đi biển mười lăm ngày, còn mười lăm ngày ở lại bờ. Tiền gom góp, nó gửi về cho mẹ. Bảo mẹ sửa lại mái nhà, chăm cho hai em ăn học. Cứ hai năm nó mới về quê một lần, năm đón Tết với mẹ và năm đón Tết với anh em công nhân xưởng đóng tàu. Mưa gió, nắng miền Nam làm cho một thằng trai miền Trung ngày một rắn rỏi và cứng cáp. Chụp hình về, mẹ nhận không ra, nửa mừng, nửa lo. Mừng vì con trai lớn nay đã trưởng thành. Nhưng cũng lo cho tương lai của nó, một mình bươn chải nơi đất khách quê người. Mười tám tuổi đã phải rời xa mẹ, chưa một lần dám ước mơ bước chân vào giảng đường đại học, mặc dù trước đó, nó cũng là một đứa học hành rất khá.
Nó quyết định về Sài Gòn, vừa tìm kiếm việc làm, vừa ôn thi đại học, kiếm cái nghề đặng mai mốt phòng thân, thành phố hoa lệ chào đón nó. Công việc cũng nhanh chóng kiếm được. Một tháng, tiền ăn, tiền trọ nộp vào, nó cũng dư chút đỉnh, gửi về cho mẹ. Cánh cửa đại học rộng mở, cho đến ngày dịch ào đến như một cơn lũ.
Hôm nay nó quyết định trở về. Như bao người dân nông thôn khác. Khi đã kiệt quệ, sức cùng lực kiệt, nó muốn được trở về mái ấm quê hương. Có đói, có nghèo, vất vả, gian nan thì chắc chắn vòng tay mẹ và quê hương sẽ chẳng bao giờ buông bỏ. Chưa bao giờ, nó thấy đường về quê mẹ xa tít như thế. Chiếc xe Honda chạy ù ù, pô nóng rực, chỉ chờ có một miếng nước vào thôi đủ để tiếng "xèo" bay lên theo khói. Hành trang mang theo không có gì ngoài mấy bộ quần áo. Nó phụ anh đồng hương, chở thêm một đứa nhỏ mười tuổi. Con bé buồn ngủ, gục gà gục gặc trên lưng. Mấy lần, nó phải đưa tay quẹo ra phía sau, lay lay con nhỏ. Nè em, tỉnh táo đi, sắp về tới nhà rồi. Ngủ gật rớt trên đường bây giờ.
Những thời gian tạm nghỉ trên đường, nó cùng anh đồng hương và mấy người nữa giở mấy chiếc bánh mì nguội ngắt, người dân cho dọc đường. Nước cũng người ta cho. Những lúc này, nó thấy ấm lòng đồng bào mình quá. Nếu không có họ, chắc đường về sẽ còn những trăn trở và gian nan.
Hôm nay một anh trong công ty có điện thoại hỏi nó bao giờ em quay lại. Anh vẫn đang gắng gượng, đợi có chế độ chính sách ưu đãi hợp lý. Sẽ cố gắng gượng đến khi nào không thể chịu được nữa thì về. Nó chỉ biết buồn rầu bảo anh giữ gìn sức khỏe, không được để mình bị nhiễm bệnh. Rồi cũng sẽ có người về, người ở lại.
Lúc này, đường đèo Hải Vân mở ra, hun hút trước mắt. Chỉ qua chỗ này thôi, rồi sẽ tới được địa phận Thừa Thiên- Huế. Bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị, nó sẽ lại về với quê mẹ thân thương...
Đà Nẵng, tháng 10-2021
Tạp bút: Thụy