Độc đáo ẩm thực lễ hội xuân đất Quảng

Thứ hai, 18/02/2019 14:32

Ngày 11 và 12 tháng Giêng, tại Dinh bà Chiêm Sơn, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên (Quảng Nam) diễn ra Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn. Lễ hội là dịp bày tỏ niềm tôn kính với người đã khai sinh ra nghề ươm tơ dệt lụa ở vùng quê này. Đặc biệt lễ hội bà Chiêm Sơn còn là dịp để dân làng tề tựu nấu những món ăn đậm chất làng quê. Năm nào tết xong, người làng cũng sửa soạn để chuẩn bị tốt nhất cho ngày hội. Những vị cao niên và đàn ông lo phần lễ cúng, còn phụ nữ thì làm nhiều món ăn ngon phục vụ du khách đi chơi hội thưởng thức. Các món ăn trong ngày lễ không phải cao lương mỹ vị gì mà chính là từ những sản vật  sẵn có trong vườn nhà. Từ mít non trộn, ốc hút, bánh giầy, rượu tằm, bánh sắn... tạo nên "thương hiệu" riêng cho lễ hội.

Các món ăn dân dã được bày bán trong lễ hội Dinh bà Chiêm Sơn. 

* Sáng 17-2 lễ hội "Hội làng giữa phố" Hòa Minh lần thứ 7 (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chính thức diễn ra với sự tham gia đông đảo của các đại biểu và bà con địa phương. Đặc biệt, năm nay còn diễn ra lễ thả chim bồ câu cầu quốc thái dân an, trao các suất quà động viên cho thanh niên nhập ngũ và trao thưởng cho học sinh đoạt giải trong các cuộc thi cấp Quốc gia và thành phố. Ở phần hội năm nay diễn ra nhiều trò chơi dân gian như hát bài chòi, đập om, chạy việt dã, thi bóng chuyền, bóng đá...

Ngọc Quốc

Có lẽ, một trong những món "đắt khách" nhất trong lễ hội là bánh giầy nhân đậu phộng của chị Tâm. Chị cho biết bánh giầy được làm từ bột nếp, là sáng tạo riêng của người dân nơi đây bởi nhân bánh vừa có vị mặn vừa có vị ngọt. "Dân Duy Trinh ngày xưa nghèo khổ lắm nên nhân bánh cũng đâu "dám" làm bằng tôm thịt mà chỉ bằng ít hạt đậu phụng xay nhuyễn, kẹp thêm lớp bánh tráng bên ngoài giòn giòn, dai dai. Vậy đó mà ai đi xa cũng thèm, cũng nhớ". Ngoài những món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng, trong lễ hội bà Chiêm Sơn còn có món "đặc sản" là nhộng xào chuối cây và rượu nhộng. "Làng Duy Trinh vốn là cái nôi ươm tơ dệt lụa hàng trăm năm tuổi của xứ Quảng. Ngày nay dù diện tích trồng dâu đã giảm đi rất nhiều nhưng vẫn có những hộ theo nghề, nuôi tằm lấy kén. Con nhộng sau khi luộc chín trở thành món ăn rất ngon và bổ nhưng không phải ai... cũng dám thử", ông Minh, người dân thôn Phú Bông chia sẻ.

Tuy nhiên, nhắc đến ẩm thực tết xứ Quảng thì TP Hội An mới chính là nơi độc đáo và đặc sắc nhất. Ngoài lễ hội đua thuyền đảo thủy ngày xuân, giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng, lễ hội Cầu bông Trà Quế thì sau những ngày Tết Nguyên đán, du khách đến Hội An lại tiếp tục được trải nghiệm ẩm thực trong dịp Tết Nguyên tiêu tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Đây là ngày lễ mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với cộng đồng cư dân Hội An. Không chỉ nổi bật với những đặc sản được vinh danh quốc tế như bánh mì Phượng, cao lầu, cơm gà..., Phố Hội còn gây ấn tượng bởi những món ăn vặt bình dân, mộc mạc nhưng lại toát lên những hương vị khác biệt. Và trong mâm cúng Tết Nguyên tiêu không thể nào thiếu bánh bao, bánh vạc. Bánh vạc có tạo hình giống bông hồng trắng nên còn có tên mỹ miều là "white rose". Bà Mai (Hội An) cho biết, đặc điểm của Hội An là sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau nên ẩm thực cũng bị ảnh hưởng của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Món bánh giầy khiến không ít người "thương nhớ".

Du khách đến Hội An thưởng thức ẩm thực sẽ bắt gặp đâu đó hương vị của đất nước mình nhưng trong một hình thức mới mẻ hơn. Cái hay là ở chỗ dù bị du nhập nhưng ẩm thực Hội An vẫn rất gần với văn hóa bản địa là lấy hạt gạo làm nguyên liệu chính. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: "Không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng, Hội An còn tự hào là địa phương có nền văn hóa ẩm thực khá lâu đời với nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn, đã được nhiều tạp chí, trang mạng có uy tín trên thế giới bình chọn, vinh danh. Trong đó, các món ăn truyền thống của Hội An xếp thứ sáu trên trang mạng Trip Advisor; sản phẩm "học nấu ăn ở Hội An" lọt vào top 10 trải nghiệm du lịch đặc biệt trên thế giới. Đặc biệt, chợ Hội An đã được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet bình chọn và xếp hạng vào Top những "thiên đường ẩm thực" hấp dẫn đối với người dân và du khách. Du khách đến Hội An dịp tết, mùa lễ hội không chỉ trải nghiệm các món ăn làm nên thương hiệu của Hội An đối với bạn bè quốc tế mà còn được thưởng thức các món dân dã, gắn liền với đời sống người dân. Có thể khẳng định rằng ẩm thực góp phần không nhỏ trong việc quảng bá du lịch Hội An tới thế giới".

Ẩm thực xứ Quảng với "muôn hình vạn trạng" cách chế biến, bài trí đã thực sự trở thành một nét độc đáo riêng, đặc biệt là trong những ngày lễ lội. Ở đó, trong không khí của tháng Giêng, trải nghiệm những món ăn dân dã, đậm đà không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống mà còn khiến du khách cảm nhận được sự hòa quyện giữa đất và người, của tình làng nghĩa xóm. Chính điều đó đã thắp lên tình yêu đất yêu nước để rồi dù cuộc sống ngày nay dẫu có xô bồ đến đâu thì cứ đến mùa lễ hội những người con khắp nơi lại trở về được tắm mình trong không gian xứ Quảng ân tình là vậy.

Đồng Dao