Đua nhau "đầu độc" dòng sông

Thứ ba, 24/05/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 5-2016, trong quá trình kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP Huế, lực lượng CSPCTP về Môi trường CATP Huế bất ngờ phát hiện 2 điểm kinh doanh quán nhậu gồm: Cây Gòn số 4 đường Đặng Thùy Trâm và Phố Đêm số 63 đường Tố Hữu (TP Huế) dùng ống nhựa gắn từ nhà vệ sinh, khu vực chế biến thức ăn dẫn xuống cống Phát Lát nối với sông Như Ý. Một cán bộ trinh sát cho biết: Nhìn bằng mắt thường, có thể quan sát hàng loạt chất bẩn, đồ ăn thừa được thải trực tiếp xuống dòng sông qua đường ống tạo nên mùi khó chịu. Nước ở khu vực ống chảy xuống có màu đỏ sẫm, màu đen, nhiều chất bẩn đọng lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mất cảnh quan của dòng sông. Đội CSPCTP về Môi trường CATP Huế đang đề xuất UBND TP Huế xử phạt nghiêm hành vi vi phạm môi trường của 2 cơ sở nói trên. Đồng thời, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Ngoài 2 cơ sở nói trên, còn có hàng chục quán nhậu, hàng ăn, cà-phê... cũng đua nhau xả thải trực tiếp xuống sông Như Ý. Sông Như Ý trải dài qua nhiều xã, phường thuộc các địa bàn: TP Huế, TX Hương Thủy và H. Phú Vang. Một dãy quán cà- phê san sát nằm hai bên đường Nguyễn Công Trứ và Hàn Mặc Tử luôn tấp nập khách, nhất là vào mùa hè. Bởi, ngoài vị trí nằm sát bờ sông này, ở khu vực này còn có nhiều cây xanh lâu năm nên không khí rất mát mẻ. Nhưng thời gian gần đây, lượng khách đến đây đã giảm. Chị Nguyễn Thị Hoài (29 tuổi, trú TP Huế) cho biết: "Trước đây, chị và bạn bè thường đến uống cà-phê trên đường Hàn Mặc Tử, nơi sông Như Ý chảy qua. Nhưng thời gian gần đây, do nước dưới sông bốc mùi hôi thối, khó chịu nên chúng tôi đã không chọn nơi này nữa".

Dọc sông Như Ý phía đường Hàn Mặc Tử, có nhiều đoạn, người dân lấn chiếm các khu đất cạnh bờ sông để mở quán nhậu, hàng tạp hóa, cà-phê, làm nơi giữ xe để bán cơm hến, nước mía... Một người làm thuê ở một quán cơm hến cho biết: Đồ ăn dư thừa của khách, một phần đưa về cho heo ăn, còn phần nào heo không ăn được thì đổ thẳng xuống sông. Đoạn từ đường Nguyễn Lộ Trạch đến cầu Vân Dương, có một số nơi, bờ sông trở thành bãi tập kết rác thải xây dựng. Đoạn gần cuối đường Nguyễn Lộ Trạch, người dân còn đổ rác thải xây dựng xuống sông. Bàn ghế cũ, vật dụng đã qua sử dụng, hư hỏng, người dân cũng tiện thể ném ra bờ sông gây cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.



Cảnh sát môi trường bắt quả tang đường ống xả thải trực tiếp ra sông
của quán nhậu Cây Gòn và Phố Đêm.

Theo lãnh đạo của các phường, xã nơi có sông Như Ý chảy qua đều cho rằng, nguyên nhân sông Như Ý ô nhiễm là do ý thức của một số chủ kinh doanh kém, hầu hết họ đều xả thải trực tiếp xuống sông. Ngoài ra, một bộ phận người dân cũng vô tư xả rác xuống sông. Ông Ngô Viết H. (trú P. Vỹ Dạ, TP Huế), một người dân sống bên bờ sông Như Ý ngán ngẩm: "Trước đây, buổi tối, người dân ở đây thường hay ra dọc bờ sông ngồi hóng mát nhưng gần đây thì không còn nữa vì nước sông có mùi rất khó chịu, những đêm đứng gió mùi hôi từ sông bốc lên nồng nặc, lùa vào trong nhà, có đêm không ngủ được". Tình trạng, sông Như Ý ô nhiễm, bốc mùi hôi, người dân P. Vỹ Dạ đã phản ánh lên chính quyền địa phương.

Một giảng viên của Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Huế, cho rằng mùi hôi trên các con sông ở TT-Huế chủ yếu do các chất thải trầm tích dưới đáy bùn, khi trời nắng nóng sẽ phân hủy tạo ra các khí có mùi hôi. Một nguyên nhân nữa là do dòng chảy của các con sông này kém làm ứ đọng chất thải và oxy trong nước ít, quá trình phân hủy kỵ khí trong môi trường thiếu oxy sẽ sinh ra các khí có mùi hôi. Giảng viên này khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các nguồn nước này để sinh hoạt vì có hại cho sức khỏe...

Trước tình trạng, một số sông ở trên địa bàn tỉnh TT-Huế bốc mùi hôi, Sở TN & MT tỉnh từng chỉ đạo Trung tâm Quan trắc TN & MT tiến hành quan trắc chất lượng môi trường không khí và nước tại hơn 100 điểm. Kết quả quan trắc cho thấy, một số chi lưu sông Hương như hệ thống sông An Cựu - Lợi Nông, sông Như Ý bị ô nhiễm bởi các chất có nguồn gốc từ nước thải sinh hoạt như Amoni, Phosphat, COD, BOD5, coliform ở mức độ vừa đến nghiêm trọng. Cơ quan CA cho biết, sắp tới, sẽ lập đoàn liên ngành, tăng cường kiểm tra vấn đề xả thải và sẽ xử phạt nghiêm đối với những cơ sở vi phạm.

H.Lan