Giá trần cho sữa?
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, giá sữa là đề tài “nóng” khi các hãng đồng loạt tăng giá, còn cơ quan chức năng đăng đàn khẳng định sẽ kiểm tra chặt sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Người ta phải chua chát rằng, việc thành lập các đoàn thanh tra DN SXKD sữa của 2 bộ Tài chính, Công Thương cũng chỉ là chuyện “vác cày theo trâu”!
Vì sao vậy? Thực tế đã chỉ rõ rằng, từ trước đến nay, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được giá sữa và chưa làm rõ các dấu hiệu liên kết, chuyển giá. Bởi nếu lấy lý do sữa nguyên liệu nhập về tăng giá (như các DN giải thích) để đẩy giá thành lên thì các DN giải thích sao với việc trước đây, nhiều thời điểm giá nguyên liệu giảm mà giá bán ra không hạ?
Như vậy, phải chăng các cơ quan chức năng nghiễm nhiên thừa nhận rằng, với mặt hàng sữa, giá chỉ có lên chứ không có xuống? Cần phải nhấn mạnh rằng, từ khi sản phẩm sữa được “trả lại tên” đúng với bản chất của nó và trở về diện quản lý giá của Bộ Tài chính thì giá chẳng những không giảm mà còn thi nhau “nhảy múa”. Đó là một thực tế bất hợp lý.
Để có thể ngăn chặn giá sữa đang “chạy” theo hướng chỉ tăng chứ không giảm, đòi hỏi ngành tài chính phải kiểm soát được tận gốc của vấn đề, đó là giá sữa nhập khẩu và giá sữa thành phẩm sau sản xuất.
Không chỉ có vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, liên ngành Tài chính - Công thương có thể kiểm tra giá nhập khẩu đầu vào tăng như thế nào, có phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh hay không. Như vậy, việc kiểm soát thị trường sữa không chỉ thuộc trách nhiệm một ngành nhất định mà đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc.
Theo đề xuất của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, sữa là mặt hàng bình ổn giá, trong đó có một số mặt hàng thuộc danh mục Quản lý giá, chính vì vậy Nhà nước nên áp dụng phương pháp quản lý theo giá trần.
Trong đó, Nhà nước tính toán giá dựa trên giá nhập khẩu, thuế, chiết khấu bán hàng và lợi nhuận DN ở mức hợp lý. Điều này có thể thực hiện được vì thị trường sữa bột do một vài DN lớn phân phối, đó là hình thức nhóm DN thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh. Tất nhiên, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của DN và chỉ điều tiết khi cần thiết. Nếu các DN vi phạm luật sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Một điều nữa, hành vi tiêu dùng là rất quan trọng trong việc “kìm cương” giá sữa. Người tiêu dùng nên thể hiện quyền của mình, nếu hãng này tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào một dòng sữa. Như vậy sẽ gây áp lực được với DN phân phối, đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường.
N.Minh