"Giao lưu mỹ thuật người nước ngoài" tại Đà Nẵng": Đa dạng sắc màu
Như tin đã đưa, chiều 2-11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng diễn ra Lễ khai mạc sự kiện "Giao lưu Mỹ thuật người nước ngoài" tại Đà Nẵng năm 2019 do Sở Văn hóa & Thể thao (VH-TT) TP chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và Cty MTV The Workshop Reginae Kitchen tổ chức. Theo đánh giá của giới chuyên môn và các họa sĩ tên tuổi, đây là một sự kiện mỹ thuật hết sức độc đáo, giàu sáng tạo và đa dạng các sắc màu...
![]() |
Ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở VH-TT TP cùng khách mời tham quan triển lãm. |
Ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở VH-TT TP, hoạt động chính của Sự kiện là Triển lãm "Chuyện của những bức tranh" giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ đến từ nhiều quốc gia đang sống, làm việc tại TP và các vùng lân cận. Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động giao lưu dành cho người yêu nghệ thuật, nhất là các em sinh viên, thiếu niên, nhi đồng đam mê mỹ thuật khi được tham quan các tác phẩm sắp đặt theo chủ đề làm từ các vật liệu tái chế; trải nghiệm các tác phẩm tranh công nghệ tương tác thực tế (AR) độc đáo; được họa sĩ hướng dẫn trang trí vẽ mặt vui nhộn và trải nghiệm thực tế qua hoạt động tương tác như vẽ tranh tường theo hướng dẫn... Đặc biệt, người xem được thưởng thức những tiết mục âm nhạc sôi động của các nghệ sĩ nước ngoài và tham gia tiệc ẩm thực đến từ các nhà hàng nổi tiếng trên địa bàn TP...
Thu hút người xem nhiều nhất là Triển lãm "Chuyện của những bức tranh", tại đây giới thiệu 55 tác phẩm Mỹ thuật của 19 HS đến từ 9 quốc gia như Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Norway... thể hiện sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo trong nghệ thuật. Lần theo từng tác phẩm, ta như lạc vào một thế giới tràn ngập những sắc màu phong phú, các tác phẩm đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự đan xen giữa các trường phái hiện thực, siêu thực, trừu tượng và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật số hiện đại. Không chỉ đa dạng về các chất liệu như sơn dầu, bột màu, acrylic, bút sắt ký họa, phù điêu đắp màu... các tác phẩm còn cho người xem cảm nhận một luồng sinh khí mới với phong cách thể hiện độc đáo. Những tác phẩm đưa chúng ta nhớ lại những truyền thuyết lịch sử của dân tộc, đến với những phong cảnh làng quê Quảng Nam- Đà Nẵng, Cù Lao Chàm (tác giả Monica Gonzalez), phong cảnh Vịnh Hạ Long (Stephanie Thieullent), tác phẩm "Đỉnh cao Đà Nẵng" (Evgraf Plotnikov), tác phẩm "Tinh thần Đà Nẵng" (Klarissa Delos Angeles) và các tác phẩm giới thiệu phong cảnh các TP ở nước ngoài như Amsterdam, London, Paris...
Họa sĩ người Anh Christopher Mcbride (32 tuổi), công tác tại Dự án Khu Công nghệ Thông tin Đà Nẵng cho biết "... Hơn 3 năm sống, làm việc tại Đà Nẵng, tôi và gia đình ngày càng yêu mến những người dân hiền hòa, giàu lòng nhân ái, gắn bó với TP biển xinh đẹp, nơi tập trung đa dạng các nền văn hóa và có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời. Là họa sĩ mỹ thuật công nghiệp, tôi dành thời gian đi thực tế, tìm hiểu và vẽ nhiều chân dung, phong cảnh Đà Nẵng gửi về Anh quốc giới thiệu với công chúng, bạn bè về mảnh đất tôi đang sống và làm việc. Ngoài những tác phẩm sơn dầu vẽ theo trường phái hiện thực, tôi đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm đều có những nội dung cụ thể, chủ đề, nguồn gốc xuất xứ và diễn biến liên quan đến tác phẩm. Chẳng hạn tác phẩm "Kim Quy", tôi vẽ cảnh tháp rùa có cụ rùa bơi trên sóng nước, nhưng khi áp dụng công nghệ kỹ thuật số, người xem bật điện thoại thông minh như Iphone, Samsung, Nokia rồi chiếu vào tác phẩm sẽ thấy cảnh vật chuyển động. Thấy hình ảnh sự tích Hồ Gươm, cảnh rùa vàng bơi đến thuyền đòi kiếm, cảnh vua Lê Lợi rút kiếm thần trả lại Long Quân... Hoặc tác phẩm "Chiến tranh thế giới thứ nhất", vẽ lính Đức cùng đầu lâu, khi áp dụng công nghệ ta sẽ thấy được cảnh toàn các quốc gia trên thế giới bị xâm lược, tàn phá; số người chết và bị thương, cảnh trại tập trung và những tội ác của Phát xít Đức... Được tham gia triển lãm lần này, tôi và anh em họa sĩ rất vinh dự, xúc động và coi đây là niềm vui, niềm hạnh phúc vô cùng to lớn".
![]() |
Họa sĩ Monica Gonzalez (ngoài cùng bên trái) với tác phẩm "Cù Lao Chàm". |
Đối với họa sĩ Monica Gonzalez, lần đầu tiên được mời tham gia triển lãm chị vô cùng xúc động, vui mừng và cho biết, tác phẩm "Cù Lao Chàm" được vẽ bằng tất cả tình cảm sâu đậm đối với mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng nơi chị đang sống và làm việc. Chị sẽ tiếp tục vẽ nhiều hơn nữa để có những tác phẩm giới thiệu về Đà Nẵng thân thiện, an bình và đáng sống.
Có thể thấy rằng năm 2019 là một năm khởi sắc đối với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đánh dấu quá trình gần 3 năm đi vào hoạt động trong lĩnh vực Triển lãm Mỹ thuật. Sự kiện "Giao lưu Mỹ thuật người nước ngoài" lần đầu tiên tại Đà Nẵng lần này được đánh giá rất cao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Sau TP Hà Nội và TPHCM, Bảo tàng MT Đà Nẵng là Bảo tàng lớn thứ ba tại Việt Nam với sự phát triển vượt bậc và tự hào với bộ sưu tập tác phẩm Mỹ thuật trị giá hơn 10 tỷ đồng. Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn của người dân Đà Nẵng, khách du lịch, và thực sự là ngôi nhà thân thiết của giới văn nghệ sĩ, các HS trong và ngoài nước.
HIỀN MINH