Gìn giữ di sản bài chòi
Với mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thời gian gần đây, TP Đà Nẵng nói chung, các địa phương, trong đó có P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) nói riêng đã rất tích cực trong việc khôi phục, tìm giải pháp giữ lửa, "tiếp sức" cho loại hình nghệ thuật đặc sắc trước nguy cơ bị mai một, lãng quên...
![]() ![]() |
Dù mới "tái lập" nhưng CLB Bài chòi P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của rất nhiều người dân. |
Những ngày đầu năm mới 2020, người dân ven biển, nhất là các khu dân cư trên địa bàn P. Nại Hiên Đông cảm thấy phấn khích, vui mừng khi được chứng kiến, tham gia Hội Bài Chòi do UBND phường tổ chức. Đây là lần đầu tiên loại hình nghệ thuật độc đáo, món ăn tinh thần đặc sắc của người dân làng chài ven biển được tái hiện sau nhiều năm ẩn khuất trong dân gian.
Bài Chòi là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng và tiêu biểu ở các làng quê thuộc dải đất miền Trung từ Quảng Bình trở vào, tuy nhiên, theo nghệ nhân dân gian Nguyễn Thực (trú P. Nại Hiên Đông), thịnh hành nhất là vùng Nam Trung Bộ, nhất là ở Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng lại rộn ràng chuẩn bị dựng chòi, kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi mùa Xuân.
Ở Đà Nẵng, nhất là các vùng ven biển, ngày xưa chơi bài chòi cũng là một trò chơi dân gian được nhân dân thường tổ chức chơi vào các dịp đầu Xuân, tuy nhiên trải qua thời gian, chiến tranh loạn lạc, cùng với nhiều nguyên nhân khác nữa nên trò chơi này hiện nay còn hiện hữu rất ít, có thời điểm không được quan tâm khôi phục và duy trì. Hiện Đà Nẵng chỉ có một số CLB bài chòi tiêu biểu, bảo lưu và phát huy khá tốt trò chơi dân gian này như CLB Bài chòi Sông Yên (Hòa Vang), CLB Bài chòi Sông Hàn (Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh TP Đà Nẵng)...
"Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 10 nhóm/đội, CLB bài chòi, tập trung ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và ở H. Hòa Vang. Tuy nhiên, đa số trong đó đều thành lập tự phát, chủ yếu dựa vào niềm đam mê, sở thích của các thành viên chứ không có sự hỗ trợ. Các nhóm thành lập tự phát, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào đóng góp của các thành viên và khoản thu từ các buổi biểu diễn", nghệ nhân Nguyễn Thực cho hay. Riêng tại P. Nại Hiên Đông, theo nghệ nhân Nguyễn Thực, vào năm 2004, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà, địa phương cũng đã lập ra một CLB bài chòi phục vụ nhu cầu người dân. "Sau 3 năm hoạt động khá hiệu quả nhưng cuối cùng CLB cũng phải giải tán. Nguyên nhân một phần là do biến động về nhân sự, phần lớn khác là do mưu sinh, hầu hết các thành viên trong CLB phải tập trung lo kế sinh nhai thay vì bỏ thời gian vào niềm đam mê nghệ thuật", nghệ nhân Nguyễn Thực nói.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của CLB hô hát Bài chòi P. Nại Hiên Đông trước đây, ông Trương Quý Khanh, cán bộ VH-TT P. Nại Hiên Đông (nguyên Chủ nhiệm CLB) cho biết, thời điểm đó, vì chưa có chính sách, cơ chế đặc thù liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như chính sách hỗ trợ cho các thành viên CLB để thu hút họ gắn bó chặt chẽ, lâu dài với loại hình nghệ thuật Bài Chòi nên khả năng phát triển rất là khó khăn. CLB không có điều kiện để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động cũng như tham gia các buổi tập huấn để học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ biểu diễn...
Nhận thức được vấn đề trên, ngay khi được lãnh đạo địa phương chỉ đạo tìm giải pháp "tái lập" CLB bài chòi trên địa bàn, với trách nhiệm được giao, ông Khanh cho biết đã tham mưu với UBND phường tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng, địa điểm, phương tiện biểu diễn và kêu gọi các thành viên trên tinh thần tự nguyện tham gia vào CLB. "Trước mắt CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện, góp công, góp sức của các thành viên để phục vụ nhu cầu người dân. Về lâu dài, để CLB hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn, chúng tôi sẽ xã hội hóa bằng cách liên hệ với các cơ sở du lịch, dịch vụ, các địa điểm vui chơi, giải trí để ký kết các hợp đồng biểu diễn nhằm tạo nguồn thu, duy trì hoạt động của CLB", ông Khanh nêu giải pháp.
Cũng theo ông Khanh, tín hiệu đáng mừng là mặc dù chưa "danh chính ngôn thuận", nhưng từ ngày mồng 2 đến 12 (âm lịch) Tết Canh Tý 2020, tại công viên Nại Thịnh Đông, CLB dân ca Bài chòi Nại Hiên tổ chức Hội Bài chòi phục vụ người dân địa phương vui Xuân đón Tết. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia, cổ vũ của rất nhiều người dân trong vùng.
Sở dĩ chưa "danh chính ngôn thuận", là bởi theo ông Khanh, CLB Bài chòi Nại Hiên dự kiến sẽ thành lập vào tháng 2-2020, quy tụ các thành viên là những người dân đang sinh sống trên địa bàn am hiểu về môn nghệ thuật này. "Với tôn chỉ là bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc, dự kiến phát triển cùng với loại hình dân ca bả trạo thành một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách lưu trú trên địa bàn phường. Đồng thời, duy trì phục vụ nhân dân trong các dịp Tết cổ truyền, dịp lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương...", ông Khanh nói. Ông Khanh phấn khởi cho biết, Hội bài chòi Nại Hiên được tổ chức tại công viên Nại Thịnh Đông đã tạo nên không khí vui tươi, thu hút khá đông người dân tham gia. Vì vậy, có thể nói, bài chòi vẫn có sức sống, sức hấp dẫn mạnh mẽ, được người dân hưởng ứng, yêu thích, cần được nuôi dưỡng, trao truyền trong cộng đồng dân cư.
Với nhiều giải pháp được đưa ra, cùng sự đồng thuận, nỗ lực của chính quyền, các thành viên trong CLB, P.Nại Hiên Đông nói riêng, Đà Nẵng nói chung đang từng bước bảo vệ di sản bài chòi trước nguy cơ mai một, đưa phong trào hát bài chòi phát triển rộng khắp, lan tỏa tình yêu dành cho di sản đặc biệt này.
D.H