Hậu công trình xây dựng cầu Kỳ Phú I, II: Loay hoay tìm đất tái định cư cho dân
(Cadn.com.vn) - Vừa qua, Báo Công an TP Đà Nẵng nhận được thông tin phản ánh của ông Phan Văn Lũy và Phạm Văn Thương (trú P. An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) về việc cơ quan chức năng TP Tam Kỳ chậm giao đất tái định cư, làm ảnh hưởng đến đời sống của gia đình các ông. 2 hộ dân này có nhà nằm bên dưới đường dẫn lên cầu Kỳ Phú I, II; hiện cây cầu đã đưa vào sử dụng nhưng các hộ trên vẫn chưa được bố trí chỗ ở mới.
Trong đơn kiến nghị gửi Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ, ông Lũy nêu rõ: "Việc thi công công trình cầu Kỳ Phú I, II hơn 3 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống gia đình tôi. Sau khi tôi phản ánh, UBND TP Tam Kỳ đã kiểm tra thực tế và Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ đã thống nhất ghi biên bản giao lô đất sát cống số 4, đường 616 có diện tích 125m2 cho tôi. Tuy nhiên, đến nay gia đình tôi vẫn chưa được cắm mốc giao đất nên không thể làm nhà". Còn ông Phạm Văn Thương, bức xúc: "Hơn 3 năm qua, gia đình tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề cả về đời sống lẫn kinh tế. Nay cầu đã hoàn thành mà đất tái định cư của chúng tôi không biết vì lý do gì vẫn chưa nhận được. Tôi mong các cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét trường hợp của chúng tôi".
Được biết công trình cầu Kỳ Phú I, II được khởi công vào tháng 5-2012 với tổng kinh phí 257 tỷ đồng. Trong quá trình thi công có ảnh hưởng đến 23 hộ dân không thuộc diện giải tỏa nhưng do cao trình nền đường cao hơn hiện trạng nền nhà dân nên UBND TP Tam Kỳ đã vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước để giải quyết cho các hộ dân sửa chữa nhà ở với mức bình quân 30-35 triệu đồng/hộ. Hiện có 19/23 hộ dân thống nhất nhận tiền hỗ trợ nâng nền nhà tương đương nền đường.
![]() |
Nhà thấp hơn mặt đường, gia đình ông Lũy bị ảnh hưởng trong mùa mưa năm 2014. |
Về kiến nghị của 2 hộ dân nói trên, ông Trần Đình Đức- Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ, cho biết: Đây là những trường hợp thực sự có khó khăn về kinh tế, bởi 2 hộ này làm nghề mộc và sửa chữa máy móc, cần mặt bằng rộng để kinh doanh nên họ không thống nhất với phương án nhận tiền hỗ trợ nâng nền nhà. Sau khi xem xét thực tế, UBND TP Tam Kỳ xác nhận đây là các hộ có trường hợp đặc biệt nên đồng ý cho giải tỏa trắng. Ngoài 2 hộ ông Thương và ông Lũy, hiện có 2 hộ khác cũng có yêu cầu được giải tỏa trắng là ông Huỳnh Văn Bến và Huỳnh Tấn Phô nhưng quỹ đất hiện không cho phép nên chưa thể xử lý được. Ngày 1-7, 4 hộ dân này đã tự lấy ý kiến của 15/19 hộ dân có liên quan thống nhất cho 4 hộ được giải tỏa trắng và bố trí tái định cư. Tuy nhiên, việc 4 hộ dân tự lấy ý kiến và chữ ký là không đảm bảo. Ông Đức cho biết hướng giải quyết sắp đến là phải họp dân một lần nữa để đảm bảo sự công bằng, tránh các hộ đã nhận tiền khiếu kiện khi hộ khác được giải tỏa trắng.
"Để công bằng với các hộ còn lại trong đó 19 hộ đã chấp hành tốt chủ trương của TP, Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ thống nhất giải quyết cho 2 hộ theo 2 phương án: Thứ nhất, nếu giải tỏa trắng thì không bố trí tại khu vực đường dẫn vào cầu Kỳ Phú mà bố trí tại các khu vực khác trên địa bàn. Phương án 2 nếu nhận tiền hỗ trợ nâng nền và sửa chữa nhà ở theo phương án được duyệt thì sẽ đồng ý bán cho mỗi hộ 1 lô đất ở theo giá sàn (không qua đấu giá) để xây dựng nhà ở và kinh doanh", ông Đức cho biết.
Thiết nghĩ việc chậm giao mặt bằng tái định cư trong 3 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và kinh tế của người dân. Mong rằng các cơ quan chức năng TP Tam Kỳ nhanh chóng lấy ý kiến người dân, giải quyết yêu cầu chính đáng của những hộ trên để họ có chỗ ở ổn định và an tâm sản xuất.
H.D