Kể chuyện phá chuyên án vận chuyển rượu lậu

Thứ sáu, 06/10/2017 19:00

Dùng đủ thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, một nhóm đối tượng chuyên vận chuyển rượu ngoại nhập lậu đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ đưa hàng từ Quảng Trị vào phía Nam tiêu thụ. Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) CATP Đà Nẵng đã xác lập chuyên án đấu tranh, thu giữ lượng rượu lớn ồ ạt vào Nam liên tục trong nhiều ngày...

 

Lực lượng CS kinh tế kiểm tra các lô hàng rượu vừa phá thành công chuyên án. 

RƯỢU LẬU LÊN TÀU

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, sau hơn 2 tháng điều tra, đấu tranh với Nguyễn Thị Hải Yến (1974) và Phan Bùi Bảo Nhân (1973, cùng trú TP Đông Hà, Quảng Trị), TS Đội Phòng chống tội phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Đội 4 - Phòng CSKT) CATP đã làm rõ hành vi và phương thức, thủ đoạn vận chuyển rượu ngoại lậu nhóm này thực hiện suốt nhiều tháng qua.

Sự việc bắt đầu từ việc nắm thông tin và phát hiện bắt giữ 35 thùng rượu (354 chai rượu nhập lậu) do Yến và Nhân vận chuyển bằng ô-tô BKS 51F-29596 ngày 20-7 tới kho số 2 (Cty TNHH MTV TM-DV Vận tải Thái Tấn tại ga Hóa Trường Đà Nẵng) để đưa lên tàu vào phía Nam tiêu thụ. Toàn bộ số rượu đều là rượu nước ngoài sản xuất như Chivas 21, Ballentines, Macallan..., nhưng các đối tượng vận chuyển không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Khai nhận với TS chuyên án, các đối tượng thừa nhận tất cả số rượu đều vận chuyển thuê từ TP Đông Hà vào Đà Nẵng cho một người tên Tèo, khoảng 30 tuổi, cao 1,65m, tuy nhiên không rõ họ tên cụ thể. Tiếp tục đấu tranh, Yến và Nhân còn thừa nhận đã vận chuyển rượu trót lọt hàng chục lần, tập trung nhiều nhất là thời gian từ cuối tháng 6 tới nay. Làm việc với Cty TNHH MTV TM-DV Vận tải Thái Tấn, tổ công tác trong BCA phát hiện, thu giữ 6 tập tài liệu liên quan đến việc Yến và Nhân gửi rượu vào ga Sóng Thần (Bình Dương) vào các ngày 30-6 và ngày 6, 7, 8, 11, 13, 16, 17-7. Không nhớ rõ số rượu những lần trước đã chuyển, song Yến và Nhân xác nhận ngày 16 và 17-7 có 114 thùng rượu (khoảng gần 700 chai các loại). Toàn bộ số rượu này được xếp lên toa hàng số 231787, thuộc tàu hàng ASY1, khởi hành ngày 19-7 vào ga Sóng Thần (Bình Dương) giao hàng cho khách hàng.

Quyết không để những lô hàng trốn thuế đưa ra thị trường tiêu thụ, ngay trong ngày, Đại tá Võ Văn Lanh - Phó trưởng Phòng CSKT đã dẫn đầu tổ công tác tức tốc vào Bình Dương, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu Bộ CA, Phòng CSKT CA tỉnh Bình Dương và lực lượng QLTT kiểm tra toa tàu các đối tượng đã khai vận chuyển hàng. Đại tá Võ Văn Lanh cho hay, tính đến thời điểm này, tổng số rượu các đối tượng vận chuyển từ Quảng Trị vào ga Đà Nẵng rồi đưa vào Bình Dương là gần 1.100 chai. Ngoài số hàng thu giữ, những chuyến hàng trước sau khi vận chuyển thành công, chúng móc nối với một số cá nhân, Cty tư nhân chuyên buôn bán rượu ngoại để tiêu thụ...

Trong các lô hàng rượu buôn lậu, có những thùng rượu trị giá hơn 10 triệu đồng/chai.

NGỤY TRANG TINH VI

Theo Trung úy Lê Trường Thọ, trong tổng số rượu Yến và Nhân vận chuyển mà cơ quan CA thu giữa được có rất nhiều loại rượu đắt tiền, đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Điển hình như dòng Macallan Rare Cask Blach dòng 1824 đang bán với giá từ 10-12 triệu đồng/chai (khoảng 300 chai); hay các dòng Chivas, Ballentines, Royal Salute... giá từ 2-6 triệu đồng/chai (gần 800 chai). Thời gian qua, trong quá trình vận chuyển từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, các đối tượng sử dụng các phương thức rất tinh vi.

Theo lời Yến, khi có mối hàng rượu từ nước ngoài tuồn lậu về Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở cửa khẩu, các đối tượng thu mua về chọn nơi vắng vẻ làm điểm tập kết, sau đó thuê Yến vận chuyển vào Đà Nẵng với giá trung bình 80.000 đồng/thùng. Lúc thì người buôn lậu giao hàng tại quán nước, cây xăng, lúc thì con hẻm vắng, khu đất trống, nghĩa trang. Riêng với Nhân, cứ mỗi chuyến lái xe 7 chỗ hiệu Mitsubishi Pajero BKS 51F-29596 chở hàng vào Đà Nẵng được trả 300.000 đồng. Trường hợp Nhân bận thì có người tên Hiếu (bà con của Yến) chạy thay. Lần nào vận chuyển hàng cũng vậy, Yến, Nhân và Hiếu đều dỡ toàn bộ hàng ghế phía sau để chất hàng, đồng thời dán cửa kính tối màu để không bị các lực lượng chức năng làm công tác tuần tra kiểm soát phát hiện. Riêng bao bì (thùng chứa rượu) có in hình, tên loại rượu, tất cả đều được đối tượng buôn và vận chuyển dày công lật ngược vỏ bao bì ra phía ngoài, sau đó cho rượu vào đưa lên xe vận chuyển đi.

Cũng nhờ phương thức và cách ngụy trang này, hàng chục chuyến hàng đưa vào Đà Nẵng lên tàu vào Nam chúng đã thực hiện trót lọt. “Từ nhiều nguồn tin khác nhau, lãnh đạo Phòng CSKT đã quyết định lập chuyên án đấu tranh, đồng thời chỉ đạo các mũi TS của Đội Phòng chống tội phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp cận đối tượng theo dõi. Sau khi biết rõ lịch trình, thời gian đối tượng vận chuyển hàng ngày 20-7, TS trong chuyên án đã kiểm tra, tạm giữ lô hàng tại ga Hóa Trường Đà Nẵng, sau đó tạm giữ thêm nhiều lô hàng khác vừa vận chuyển vào Bình Dương qua đường tàu hỏa” - Trung úy Thọ cho biết.

Đại tá Võ Văn Lanh cho hay, trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình đấu tranh chuyên án, dù vụ việc không có dấu hiệu hình sự của tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vì chưa xác định được chủ lô hàng, tuy nhiên CQĐT cũng đã ra quyết định xử lý hành chính đối với 3 đối tượng Yến, Nhân và Thái Văn Tuấn tổng cộng 135 triệu đồng về hành vi “Cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu” và “Cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu”. “Hiện nay đang là thời điểm cuối năm, vấn nạn buôn lậu các loại hàng chắc chắn sẽ có những diễn biến phức tạp, lãnh đạo Phòng CSKT cũng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện hiệu quả kế hoạch của Giám đốc CATP Đà Nẵng về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; công văn của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt” - Đại tá Lanh cho hay.

CÔNG HẠNH