Khai hội Festival nghề truyền thống Huế
(Cadn.com.vn) - Tối 28-4, Festival nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đã khai hội tại sân khấu nghệ thuật trước Trường Quốc học-Huế. Festival nghề truyền thống Huế là nơi tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, những nghề truyền thống Việt; đồng thời tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác đầu tư và tìm thị trường cho các sản phẩm nghề truyền thống.
Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc với nhiều tiết mục đặc sắc do các nghệ sĩ, người mẫu đến từ ba miền Bắc- Trung-Nam biểu diễn tạo cho người xem một cảm giác ấm áp, gần gũi về nét đẹp mộc mạc văn hóa làng nghề truyền thống Việt Nam. Hoa hậu Ngọc Hân tham gia và trình diễn áo dài trong đêm khai hội… Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, Phó Trưởng ban BTC Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho hay, đây là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch lớn có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế- thành phố di sản, thành phố văn hóa và thành phố Festival của Việt Nam. Đồng thời là dịp hội tụ, biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân tiêu biểu trong cả nước. Nét mới của Festival nghề truyền thống Huế lần này là một số lễ hội lần đầu tiên tổ chức có quy mô lớn như lễ hội áo dài, lễ hội khinh khí cầu, đồng thời số nghệ nhân, thợ thủ công từ các làng nghề trong cả nước đăng ký tham gia hơn 320 người, tăng 30% so với Festival 2015.
Festival nghề truyền thống Huế 2017 không chỉ là cuộc hội ngộ làng nghề truyền thống Việt mà là cơ hội để các làng nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các thành phố quốc tế có điều kiện giao thoa. Đến từ xứ sở hoa anh đào, 34 nghệ nhân và người thợ đã giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về các nghề truyền thống: thêu, tre, sơn mài, gỗ, trang phục, đồ gốm sứ, đèn lồng, búp bê… Đến với không gian này, du khách sẽ được giới thiệu “Lễ hội Saijo”, “Nghề thủ công truyền thống thành phố Saijo” và cùng được trải nghiệm văn hóa Nhật Bản như: mặc trang phục lễ hội, nhuộm giấy Nhật và thưởng thức các sản phẩm Nhật Bản. Còn các nghệ nhân từ “xứ sở kim chi” cũng đưa đến các sản phẩm được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia như mặt nạ Dongnae Yaryu, mặt nạ Hahoe hay diều truyền thống Nongnae…
![]() |
Một số tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc. |
Chiều cùng ngày, không gian chính của Festival làng nghề Huế 2017 được tổ chức trong một khung cảnh đặc trưng với 30 ngôi nhà rường- kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ cạnh bờ sông Hương kéo dài trên suốt tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng hơn 40 nhóm nghề truyền thống của Việt Nam như thổ cẩm dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi, TT-Huế, di sản phi vật thể quốc gia; Thổ cẩm dân tộc H’Re làng Teng, Ba Tơ, Quảng Ngãi; Thổ cẩm Chăm từ Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận; Dệt Lanh từ Sáp Ong dân tộc H’Mông Lùng Tám, Hà Giang; Lụa ở Hội An, Quảng Nam; Lụa Vạn Phúc, Hà Đông; Đũi, Tơ tằm Thái Bình; Dệt sợi bông và tơ tằm, dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình; Gốm Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi; Gạch Gốm và Đan thảm Lục Bình, Vĩnh Long; Đất nung gốm thô không men Điện Bàn, Quảng Nam; Mộc, điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, TT-Huế; Mộc Đông Giao, Hải Dương; Mộc Đông Khương, Quảng Nam; Mộc Kim Bồng, Hội An… Đến với không gian này, du khách còn được những bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú nổi tiếng trong cả nước giới thiệu, chia sẻ về kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của nghề truyền thống…
Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2017, từ ngày 28-4 đến 1-5 diễn ra nhiều hoạt động như trưng bày bộ sưu tập “Gấm vóc vàng son thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn; Liên hoan Diều nghệ thuật “Những cánh bay Việt Nam” diễn ra từ 13 giờ 30 đến 17 giờ từ ngày 28 đến 1-5 tại Công viên Lý Tự Trọng, Công viên Phu Văn Lâu và bãi bồi Công viên Thương Bạc; Không gian Ẩm thực Huế tại Công viên 3-2 từ ngày 28-4 đến 2-5; Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ”; Triển lãm “Nghiên bút một thời” từ ngày 26-4 đến 5-7 tại Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, số 114 đường Mai Thúc Loan; Âm nhạc đường phố từ tối 28-4 đến 2-5 tại Nhà Kèn Công viên 3-2 và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…
H.L
* Ngày 27-4, Bảo tàng Lịch sử TT-Huế phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh cùng các nhà thiết kế áo dài tổ chức triển lãm “Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử” tại TP Huế. Triển lãm trưng bày hơn 130 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến áo dài và vẻ đẹp áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ những góc nhìn khác nhau như: Áo dài trong sinh hoạt đời thường, trong các sự kiện trọng đại, trong lễ hội. Đặc biệt, áo dài Việt Nam đã đồng hành trong khói lửa chiến tranh và ngày nay trở thành niềm tự hào dân tộc Việt Nam. Chiều cùng ngày, tại số 1-Phạm Hồng Thái (TP Huế) diễn ra lễ khai trương Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ-bảo tàng thêu đầu tiên ở Huế. Bảo tàng quy tụ gần 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại chính: tranh thêu, tranh thêu hai mặt, điêu khắc và các hiện vật liên quan đến nghề thêu, được thể hiện qua 3 chủ đề chính: cơ thể nghề thêu; gương mặt nghề thêu và một tiếng nói cho nghề thêu. Thông qua các tác phẩm, bảo tàng kể lại sự ra đời và phát triển của nghệ thuật thêu XQ bằng ngôn ngữ nghề thêu mang tính sử thi, tôn vinh người phụ nữ- chủ nhân của nghề thêu. Ngoài ra, hàng tuần trên sông Hương, bảo tàng còn tổ chức các hoạt cảnh nghi lễ rước nước sông Hương về đền Hơi thở tổ tiên, giao lưu nghệ thuật truyền thống Huế… Nhiều mẫu áo dài xưa được trưng bày tại triển lãm. H.L |