Khát vọng khởi nghiệp của thầy giáo trẻ
Ngoài công việc chính là giáo viên tận tụy, thầy giáo Phan Ngọc Trung (35 tuổi, trú khối phố Quảng Lăng 2, P. Điện Nam Trung, TX Điện Bàn, Quảng Nam) còn là chủ một trang trại bồ câu quy mô hơn 4.000 con cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tốt nghiệp ngành Sư phạm và giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh hơn 10 năm đó cũng chính là thời gian anh Trung gắn bó với nghề nuôi bồ câu. “Ngoài giờ dạy, tôi lên mạng tìm kiếm, học hỏi các mô hình làm kinh tế. Nhận thấy có nhiều mô hình mang lại lợi nhuận kinh tế cao mà lại rất dễ thực hiện nên tôi bắt đầu thử. Từ đó, anh dành hết vốn liếng nuôi thử nghiệm các mô hình. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ có nuôi chim bồ câu là mang đến hiệu quả. Hơn thế, trên thị trường cũng đang thiếu nguồn cung ứng bồ câu nên không sợ không có đầu ra”, anh Trung trao đổi.
|
Anh Trung chăm sóc bồ câu. |
Anh quyết định vay ngân hàng 150 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. “Lúc cầm sổ đỏ đi vay tôi rất sợ, vì nếu thất bại thì coi như không còn gì. Tuy nhiên, được bạn bè, người thân ủng hộ cũng như quyết tâm trong mình quá lớn nên quyết làm”, anh Trung cho biết. Với số tiền vừa vay, anh đầu tư với các giống bồ câu Pháp mimax và bồ câu kiểng. Trong thời gian này, ngoài giờ dạy học anh đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào trang trại của mình. Nhờ chịu khó, chăm sóc kỹ lưỡng, khoa học, lứa bồ câu đầu tiên xuất bán đã giúp anh thu hồi vốn, cùng với đó là tiếng lành đồn xa, nhiều cơ sở thu mua chim bồ câu tận Đà Nẵng tìm đến với anh.
Trung bảo, sau thành công lứa đầu, anh mạnh dạn mở rộng sản xuất, tận dụng hết đất vườn để xây dựng trang trại. Tuy nhiên, khi bồ câu chuẩn bị xuất bán thì lại gặp phải đợt dịch cúm H5N1 trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam và những vùng lân cận. “Bồ câu vốn sức đề kháng rất tốt nên đợt dịch này toàn bộ số bồ câu của tôi đều bình thường nhưng do tâm lý người tiêu dùng cộng với việc gà, vịt đều bị cấm nên bồ câu không tiêu thụ được. Lúc này, cả trang trại bồ câu “đứng bánh” vì không biết xuất đi đâu, nhiều mối nhận bồ câu cũng đều từ chối khiến tôi thật sự lo lắng đến mất ăn mất ngủ”, anh Trung bộc bạch. Tuy vậy, “trong cái khó ló cái khôn” anh quyết định đánh cược với số bồ câu khi giữ lại toàn bộ làm con giống. Thế rồi, anh ngày đêm chăm sóc, vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng để mua thêm lồng, mở rộng diện tích nuôi.
Kết quả, qua đợt dịch, các nơi lại tìm đến thu mua bồ câu. Từ thành công, anh không ngại chia sẻ kinh nghiệm với hàng xóm, những người có nguyện vọng phát triển mô hình nuôi bồ câu, cùng nhau liên kết, sản xuất. Tất cả đều thống nhất về giá cả, không vì bất cứ lợi nhuận bản thân mà bán phá giá, ảnh hưởng đến các trang trại khác đồng thời khi gặp bất cứ khó khăn mọi người đều hỗ trợ giải quyết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung bỏ sỉ 1.000 cặp bồ câu ra ràng với số tiền dao động từ 80 - 110 nghìn đồng/cặp tùy loại, riêng bồ câu kiểng bán với giá 750 nghìn đồng/cặp. Năm 2014, anh Trung vinh dự được UBND TX Điện Bàn tặng Bằng khen và vinh danh là một trong 60 gương Thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi; năm 2016 nhận Chứng nhận Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác do BCH Đoàn TNCS HCM tỉnh Quảng Nam trao tặng.
Phi Nông