Khó giữ rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên (Kỳ cuối: Cuộc chiến gian nan)
Để tạo điều kiện vận chuyển vật liệu, phục vụ thi công các công trình nhà máy thủy điện (NMTĐ): Alin B1, AlinB2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 nằm trong vùng lõi và vùng phục hồi sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Điền, UBND tỉnh TT-Huế đã đồng ý cho các chủ đầu tư mở tỉnh lộ (TL) 71 dựa trên lối mòn từ thời chiến tranh để lại, cạnh bên là đường dây điện dẫn nguồn từ 4 nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia. Theo tìm hiểu, tuyến TL 71 được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, trong đó hầu hết là vốn của các chủ đầu tư NMTĐ. TL71 dài hơn 50 km nhưng có đến 25 km đi qua KBTTN Phong Điền. Ông Đặng Vũ Trụ-Giám đốc KBTTN Phong Điền cho biết trước kia, khu bảo tồn không bị chia cắt, chỉ có tuyến đường mòn bị che phủ nên đường sá khó khăn. Giờ đây, sau khi tuyến TL71 mở ra thì giao thông thuận lợi, rất dễ cho việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trong KBTTN. Mặt khác, do nhiều công trình thi công nên rất dễ xảy ra tình trạng đối tượng xấu trà trộn, lợi dụng để phá rừng.
|
Sau khi tuyến đường 71 đưa vào sử dụng, tình trạng phá rừng ở KBTTN Phong Điền tăng cao. |
Sau nhiều năm thi công, đầu năm 2017, tuyến đường 71 thông tuyến thì đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ phá rừng trong KBTTN Phong Điền. Một trong những vụ phá rừng vào tháng 3- 2017 ngay trên tuyến đường 71 (nối từ xã Phong Xuân, H.Phong Điền lên H.A Lưới) nằm giữa thủy điện Alin B1 và Alin B2 khiến người dân rất bức xúc. Một người dân địa phương thường vào bắt ốc ở các khe suối kể lại, trên tuyến đường 71 này, sau khi chặt phá những thân cây lớn ở sâu trong rừng, lâm tặc đã thả nhiều khúc gỗ tròn, gỗ đã cưa xẻ được thả từ đỉnh đồi xuống theo các khe suối. Số gỗ này bao gồm các loại dổi, dạ chồn, sến đỏ... Những người phá rừng sau đó chất gỗ lên ô-tô rồi chuyển về Phong Điền hoặc chuyển ngược lên A Lưới vào ban đêm. "Trong khi TĐ thi công vào năm 2017, tôi từng chứng kiến, nhiều người mang theo máy cưa đi vào rừng. Họ gom gỗ vừa chặt hạ thành đống nhưng sang ngày hôm sau thì số gỗ biến mất"-người dân địa phương cho hay.
Thời điểm đó, qua tuần tra, lực lượng kiểm lâm KBTTN Phong Điền phát hiện có nhiều điểm rừng ở tiểu khu 57 và 70 bị chặt phá hàng chục cây. Ông Đặng Vũ Trụ- Giám đốc KBTTN Phong Điền cho rằng, dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra trong năm 2017. Trong khi đó, quanh khu bảo tồn là các xã vùng đệm và nhu cầu lâm sản lớn. Đặc biệt, lâm tặc lợi dụng, trà trộn vào rừng theo các dự án thủy điện để khai thác gỗ khiến việc kiểm soát rất khó khăn. Ông Đặng Vũ Trụ cũng thừa nhận, việc tuyến đường 71 sau khi đưa vào sử dụng đầu năm 2017 đã khiến tình trạng phá rừng tăng lên. "Tất nhiên khi có đường rồi thì việc khai thác trộm thuận lợi hơn, dễ dàng hơn trước"- ông Trụ nói. Ông Tạ Quang Hồng- Hạt phó Hạt kiểm lâm KBTTN Phong Điền cho biết, nếu trước đây khi chưa có tuyến TL 71 thì gần khu vực này 1 năm chỉ xảy ra 1-2 vụ phá rừng. Tuy nhiên, năm 2017 khi tuyến đường 71 đưa vào sử dụng thì tình trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực này lên đến hơn chục vụ với số lượng lên đến hàng chục m3. Hầu hết, các vụ này đều bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.
|
Một số cây gỗ quý trong KBTTN Phong Điền bị lâm tặc cưa hạ để lấy gỗ vào năm 2017. |
Ngoài ra, cũng trong năm 2017, Hạt kiểm lâm KBTTN Phong Điền phát hiện gần 20 vụ khai thác lâm sản trái phép khác xảy ra trong khu bảo tồn. Từ đầu năm 2018 đến nay, KBTTN Phong Điền cũng phát hiện 4 vụ khai thác lâm sản trái phép, trong đó có 2 vụ khai thác cây lấy gỗ và còn lại là các vụ khai thác động vật hoang dã và vận chuyển lâm sản trái phép. Lực lượng chức năng thu giữ hơn 1,5 m3 gỗ tròn (không có người nhận), 400 sợi dây bẫy và 4 con dao, 10 con rồng đất... Trước tình trạng rừng có nguy cơ "chảy máu", KBTTN Phong Điền đã yêu cầu 4 NMTĐ cam kết không để xảy ra tình trạng phá rừng khi thi công, phối hợp quản lý tình trạng khai thác rừng trái phép, tăng cường truyền thông. Đồng thời, để đối phó với nạn khai thác gỗ trái phép trong KBTTN Phong Điền, cơ quan này cũng đã tăng cường lực lượng chốt chặn và lập 4 chốt kiểm tra ở những điểm trọng yếu trên tuyến đường 71. Dự kiến, đầu tháng 4 này, một số chốt cũ, nhỏ lẻ trong KBTTN sẽ bị xóa để lập các chốt mới ở khu vực trọng yếu, có nguy cơ phá rừng cao.
Để xảy ra tình trạng khai thác gỗ, lâm sản trái phép trong KBTTN Phong Điền, ông Đặng Vũ Trụ cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan thì một phần nguyên nhân do lực lượng mỏng. Theo tính toán của ông Trụ, nếu theo quy định 500 ha rừng thì có 1 biên chế kiểm lâm. Nếu với số lượng diện tích rừng của KBTTN đang quản lý trên 41.000 ha thì phải có khoảng 80 biên chế. Tuy nhiên, hiện đơn vị này chỉ có hơn 30 biên chế do điều kiện tỉnh còn khó khăn"- ông Trụ phân tích. Do tính đặc thù của công việc nên khu bảo tồn phải hợp đồng với một số người nhằm đảm bảo cho khối lượng công việc.
H.LAN