Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quan ngại về tình trạng xâm hại trẻ em
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 13-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao năm 2018 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các báo cáo nói trên.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại Hội trường. |
Đề nghị xem xét lại vụ “lùi xe trên cao tốc” Tham gia thảo luận tại Hội trường, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) kiến nghị xem xét một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự mà TAND tỉnh Thái Nguyên vừa xét xử liên quan đến xe container tông vào chiếc xe ô-tô Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên làm 6 người thương vong. Theo ĐB, vụ việc này đã gây ra một số phản ứng trong dư luận, liên quan đến mức án mà người lái xe container phải chịu. Đồng thời, ĐB đưa ra 3 vấn đề mang tính pháp lý đó là: Không có khoảng cách nào an toàn dành cho 2 chuyển động ngược chiều trên một đường thẳng; pháp luật cũng không có quy định khoảng cách an toàn nào cho 2 xe đi ngược chiều nhau trên một làn đường hoặc phần đường hoặc trên một đường cao tốc; và cũng không ai có thể bị cáo buộc một tội nào đó khi pháp luật không quy định. Đối chiếu với lỗi nêu trên, đã thấy có sự khác biệt giữa nội dung mà người lái xe bị cáo buộc với các quy định căn bản của pháp luật. Qua vụ án này, ĐB cho rằng có một số vấn đề liên quan đến việc điều tra ban đầu từ lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện đã được thực hiện chặt chẽ hay chưa? Các cơ quan tiến hành tố tụng có lấy hoạt động tranh tụng làm trung tâm và thật sự là căn cứ để đưa ra phán quyết? Liệu rằng, vụ việc này có để lại một hệ lụy xấu, là những hành vi xem thường pháp luật “đi ngược chiều, lùi xe, chạy trái phép trên cao tốc” hay không? Theo đó, ĐB Sơn bày tỏ hoàn toàn tin tưởng sự trong sáng của pháp luật, bản lĩnh các cán bộ tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nảy sinh, vì vậy, đề nghị các cơ quan tư pháp cần có nghiên cứu, hướng dẫn kịp thời, áp dụng thống nhất, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chí ít là có một án lệ. VŨ HƯNG |
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thể hiện sự băn khoăn đối với số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên tăng 30,09% số vụ, 32,58% số đối tượng; bên cạnh đó, tội hiếp dâm trẻ em tăng 2,47%. Đại biểu phân tích: với số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên tăng, tội hiếp dâm trẻ em tăng, người dân rất lo lắng, bởi, thanh thiếu niên được xem là lực lượng rường cột của nước nhà, là tương lai tươi sáng của dân tộc. Tội phạm ở độ tuổi này trên 30% là điều rất đáng quan ngại.
Đại biểu nêu các con số đáng suy ngẫm: Trong tổng số đối tượng phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên, 67% là ở độ tuổi từ 16-18 tuổi, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân là 21,3% trong đó là những người ông, cha, anh, em trực tiếp xâm hại, thầy cô giáo và nhân viên nhà trường là 6,2%, những người quen, những người hàng xóm là trên 60%. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi những người thân, những người quen, những người các em rất tin tưởng.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, cần nhìn thẳng vào thực tế đó là có một số cấp ủy chính quyền, các cơ quan ban, ngành có quan tâm đến thực trạng này nhưng chưa quyết tâm, quyết liệt. Cơ quan chức năng có làm, có hành động nhưng làm chưa đồng bộ, chưa thành phong trào, xu thế như đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhiều người vẫn còn bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em để tuổi trẻ phát triển một cách lành mạnh.
Lo ngại trước tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp, có xu hướng tăng, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) dẫn chứng: Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, trên thế giới, cứ 4 trẻ em gái có 1 trẻ em bị xâm hại và tỷ lệ này là 1/6 ở trẻ em trai. Ở Việt Nam, trung bình cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có 1.189 vụ, trong đó, có 457 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 2,47% so với cùng kỳ, 184 vụ dâm ô trẻ em, 548 vụ giao cấu với trẻ em. Hằng năm, các cơ quan y tế giám định khoảng 2.000 trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, trên 80% nạn nhân bị xâm hại tình dục là các bé gái. Tuy nhiên, những con số này mới chỉ là những vụ việc được báo cáo. Thực tế, số vụ xâm hại trẻ em chắc chắn còn lớn hơn khi nhiều nạn nhân và gia đình không dám lên tiếng, các vụ việc chìm trong im lặng hoặc vì một lý do nào đó đã không được thống kê.
Để góp phần ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em, đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao nhận thức, đạo đức, nhân cách của mỗi con người; đề cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn, tố giác, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại trẻ em; xây dựng cộng đồng thành một bức tường rào vững chắc bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.
Trong việc tăng cường phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, nhiệm vụ đó trước hết thuộc về gia đình. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý, dạy cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và cách thức phòng vệ tự bảo vệ bản thân mình. Ngành giáo dục cần nghiên cứu, đưa nội dung giáo dục giới tính vào các chương trình giảng dạy. Ngành công an đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng quy định áp dụng điều tra riêng đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em để thống nhất trong tổ chức thực hiện...
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện hệ thống văn bản pháp luật, rà soát, chỉnh sửa các quy định pháp luật chưa phù hợp và thống nhất trong đường lối quan điểm xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho trẻ nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em thời gian qua, kiên quyết không để các vụ việc chìm vào im lặng, gây bức xúc cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, cần tăng mức hình phạt thích đáng, nghiêm khắc và không thể có sự khoan hồng đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo tính răn đe, cảnh báo cho toàn xã hội - đại biểu Triệu Thanh Dung nói.
T.THỦY – TTXVN