Ký kết thỏa ước lao động tập thể

Thứ hai, 13/09/2021 16:59

Bạn đọc hỏi: Ông Nguyễn Văn X., trú Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: Công ty tôi là Cty TNHH MTV, trụ sở chính ở Q.Liên Chiểu, đang dự định ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, Công ty hiện chưa có công đoàn cơ sở (CĐCS). Vậy cho tôi hỏi, cá nhân NLĐ có quyền ký kết TƯLĐTT trực tiếp với Công ty không hay ai có thẩm quyền đại diện NLĐ ký kết TƯLĐTT trong trường hợp này?  

Luật gia Nguyễn Thị Ngọc Thy - Trưởng phòng Tư vấn Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ), TƯLĐTT là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Trong đó, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Đối với TƯLĐTT tại doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 76 BLLĐ, sau khi đàm phán, lấy ý kiến của toàn thể NLĐ trong doanh nghiệp (hơn 50% NLĐ tán thành), TƯLĐTT phải được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng, tức phải được ký kết bởi đại diện hợp pháp của Công ty và tổ chức đại diện NLĐ. Do đó, bản thân cá nhân NLĐ không thể trực tiếp ký kết TƯLĐTT với Công ty. Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (tại doanh nghiệp) hiện nay gồm có 2 tổ chức là: CĐCS và tổ chức của NLĐ. Tại khoản 3 Điều 3 BLLĐ quy định: Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. 

Như vậy, khi doanh nghiệp có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, chủ tịch CĐCS hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức NLĐ tại doanh nghiệp có thẩm quyền ký TƯLĐTT với Công ty. Trường hợp Công ty không có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, nếu muốn đàm phán và ký kết TƯLĐTT, Công ty có thể lựa chọn một trong hai phương án sau: phương án 1, NLĐ của Công ty có thể yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện NLĐ tiến hành đàm phán và ký kết TƯLĐTT theo quy định tại Điều 17 Luật Công đoàn 2012 và điểm a khoản 1 Điều 18 Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 3-2-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Cụ thể, trong trường hợp trên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.Liên Chiểu hoặc công đoàn ngành địa phương sẽ đại diện NLĐ ký kết TƯLĐTT với Công ty; phương án 2: Công ty phải thành lập CĐCS hoặc tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (Việc thành lập CĐCS phải đảm bảo đúng trình tự và thủ tục được quy định tại Điều 14 Quyết định 174/QĐ-TLĐ và Mục 12 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20-2-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; việc thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp được quy định tại Điều 172 BLLĐ, tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp).

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138