Kỳ vọng một làng nghề

Thứ sáu, 27/12/2019 11:32

Trong lúc, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) như dệt chiếu Cẩm Nê, chằm nón La Bông (xã Hòa Tiến) đang dần mai một thì làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong) với hơn 15 hộ sản xuất vẫn còn quyến luyến giữ nghề. Để quảng bá thương hiệu cho loại bánh này, năm 2019, chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình khuyến công như tổ chức triển lãm, đăng ký nhãn hiệu làng nghề và bước đầu hỗ trợ 20 triệu đồng/1 hộ để mua vật dụng làm nghề. Song, sản phẩm này hiện vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chưa mang tính đặc trưng của vùng miền.

Giáo viên, học sinh trường Trung học Yeong Yang (Hàn Quốc) tham quan, trải nghiệm tại làng nghề bánh tráng Túy Loan.

Ông Đặng Công Bê (65 tuổi) cởi mở bộc bạch, sở dĩ bánh tráng Túy Loan được nhiều người biết đến là nhờ kinh nghiệm của ông cha truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy. Gạo đúc bánh tráng phải là gạo xiệc do nông dân trong làng tranh thủ gieo sạ, thu hoạch để cuối năm mang ra làm nguyên liệu sản xuất, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Cứ 1 ang gạo là 12 lon mè trắng, phụ gia với các thứ như gừng, tỏi, đường, nước mắm hoặc muối. Mỗi cái bánh phải tráng làm 2 lớp và tuyệt đối không được phơi nắng mà phải sấy trên bếp than hồng.

Quá trình sấy và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người sấy phải biết canh bếp than để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng. Nghề này cực lắm, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Hôm sau phải thức dậy từ 2 giờ sáng nhóm bếp. Tráng miết cho tới khi trời tắt nắng thì ngưng. Một lò phải có 2 - 3 người vừa tráng vừa sấy bánh... “Ở làng nghề này, dù thu nhập mỗi lao động so với các công việc khác không cao, nhưng lớp người cao tuổi không ai muốn bỏ nghề, bởi chúng tôi muốn giữ lửa làng nghề, gìn giữ thương hiệu mà cha ông đã tốn công gầy dựng. Tuy nhiên, để nghề này phát triển ổn định, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu khai thác hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch làng nghề”, bà Đặng Thị Túy Phong (76 tuổi) mong muốn.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân cho biết, với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, máy móc làm thay con người rất nhiều công đoạn sản xuất của các nghề truyền thống với độ chuẩn xác cao, kể cả những chi tiết tỉ mỉ. Do vậy, để người tiêu dùng lựa chọn hàng thủ công với giá đắt hơn thay cho hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng máy móc với giá rẻ hơn chính là nhờ cái hồn của sản phẩm được người thợ tạo cho trong quá trình sản xuất. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề thủ công truyền thống đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ tạo ra các giá trị vật chất mà quá trình chăm chút phát triển nghề còn chắt lọc tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc đặc trưng cho địa phương... “Ngày nay, bánh tráng Túy Loan không chỉ có ở các hoạt động lễ hội của địa phương, mà còn được chính quyền các cấp chọn làm sản phẩm tiêu biểu theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020. Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu xã phải tập trung nguồn lực, xây dựng 1 đến 2 mô hình nông nghiệp tiêu biểu, trong đó phải nâng cao chất lượng sản phẩm bánh tráng Túy Loan, cùng chung tay với người dân đưa sản phẩm này ra thị trường tiêu thụ ổn định để nâng cao thu nhập cho người lao động”, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong chia sẻ thêm.

Theo chúng tôi, hiện nay làng nghề bánh tráng Túy Loan chưa thật sự khai thác được thế mạnh, bởi các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ và manh mún nên rất mong các ban ngành cần tập trung hỗ trợ; cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như người dân, kỳ vọng một ngày không xa làng nghề bánh tráng Túy Loan sẽ sớm có tên trong bản đồ các tour du lịch làng nghề của TP và khu vực.

VY HẬU