Làm báo thời công nghệ...

Thứ bảy, 11/07/2020 23:24

Ngày 2-5-2015, khi trận đấu quyền Anh đỉnh cao giữa hai võ sĩ người Mỹ và Phillippines là Maywether và Pacquyao đang diễn ra, trong lúc vấn đề bản quyền truyền hình cho cuộc so găng này rất nghiêm ngặt thì ở các đô thị Việt Nam, nơi hoàn toàn không có bản quyền truyền hình trận đấu này, bằng nhiều cách khác nhau, những người mê quyền Anh vẫn có thể theo dõi trực tiếp mà không bỏ sót một chi tiết nào trong suốt trận đấu. Bỏ qua câu chuyện đúng sai của cách đưa tin theo kiểu này, câu chuyện trên đã chứng tỏ rằng, công nghệ đã giúp người xem vượt qua nhiều rào cản để đón nhận thông tin và những người làm báo cũng tận dụng triệt để công nghệ để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu thông tin theo nhiều kiểu của mình.

Công nghệ giúp nhà báo "đi" đến nhiều điểm khó có thể đặt chân đến, nhưng liệu nó có làm họ lười biếng?

Khó mà hình dung cuộc sống của chúng ta trong xã hội hiện đại nếu thiếu vắng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí - bộ phận có khả năng tác động đa dạng đến xã hội. Báo chí ra đời là để đáp ứng nhu cầu thông tin giao tiếp của con người, tạo dựng và định hướng dư luận xã hội, đáp ứng quyền được thông tin của con người. Ngày nay, với một hệ thống thông tin rộng khắp, mạng lưới báo chí ở Việt Nam thật sự đã rất đa dạng, có thể đưa thông tin về mọi mặt đời sống một cách nhanh nhất đến với độc giả của mình...

Không ai có thể nghi ngờ, bước nhảy ngoạn mục của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi nhiều thứ. Internet đã kéo mọi người xích lại gần nhau, cùng với sự phát triển của báo chí, các sự kiện diễn ra khắp mọi nơi, cùng một lúc có thể dễ dàng được chia sẻ một cách nhanh và chính xác nhất...  Điều mà, trước đây con người khó có thể nghĩ tới...

Báo chí đa phương tiện là một xu thế mới đang diễn ra với báo chí hiện đại. Hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, nhiều cơ quan báo chí hiện đại đã không chỉ còn là một tờ báo giấy thông thường, cổ điển như trước kia. Nói cách khác, một tờ báo giấy không thể thiếu sản phẩm báo điện tử đi kèm; với nhiều tờ báo, doanh thu từ bản điện tử này ngày càng lớn, thậm chí lớn hơn doanh thu của báo mẹ.

Ở Việt Nam, một số cơ quan báo chí hướng đến việc trở thành các tập đoàn, trung tâm báo chí đa phương tiện, khi ngoài báo in, báo mạng còn làm đài phát thanh, kênh truyền hình. Nếu người ta gọi hệ thống đó là báo chí thời multimedia, truyền thông đa phương tiện, thì nhà báo trong thời đại này cũng cần đa năng để tác nghiệp hiệu quả, phục vụ một cách đắc lực được cho hệ thống đó.

Chúng ta luôn biết, dù công nghệ có phát triển nhanh đến cỡ nào, phương thức truyền đạt có thay đổi ra sao đi nữa thì các giá trị cốt lõi của báo chí cơ bản vẫn không hoàn toàn thay đổi. Tiến bộ khoa học càng bứt phá thì mục đích nguyên thủy của báo chí- sứ mệnh đưa tin tức chính xác, chân thực, không thành kiến vẫn giữ nguyên.  Cũng cùng với sự phát triển của báo chí, câu chuyện về đạo đức nhà báo cũng được đề cập đến nhiều hơn dưới nhiều góc độ khác nhau. Internet đã tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của báo mạng điện tử - loại hình báo chí mới mẻ và nhiều lợi thế so với cách làm báo truyền thống... Và trong điều kiện làm báo nhanh nhạy do tận dụng công nghệ truyền thông này, nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức báo chí cũng đã đặt ra một cách nhức nhối...

Chưa bao giờ câu chuyện đạo bài vở, đưa thông tin thiếu trung thực, đưa thông tin lộn xộn, trùng lặp, xuyên tạc thông tin vì lợi ích cá nhân, xúc phạm, bôi nhọ cá nhân, câu view, câu khách... lại được nói nhiều như giai đoạn hiện nay...  Hiện tượng hàng loạt các tờ báo, trang báo đưa thông tin na ná nhau, sao chép lẫn nhau, giật tít để gây tò mò trên cùng một nội dung không phải là câu chuyện hàng ngày, mà là chuyện của hàng giờ hàng phút...  đang diễn ra liên tục trong dòng chảy không ngừng nghỉ của Internet... Việc khó kiểm chứng trong môi trường mạng khiến cho việc truyền tải, tiếp nhận và xử lý thông tin ngày càng khó kiểm soát. Một thực trạng xấu đang tồn tại là những gì không được luật pháp hay đạo đức xã hội thừa nhận lại được ngầm phát tán trên các phương tiện truyền thông với mức độ khó cưỡng. Thậm chí nhiều tin đồn, tin bịa đặt từ mạng xã hội không được kiểm chứng được nhiều phóng viên khai thác và biến thành những thông tin chính thức trên kênh báo chí. Những thông tin sai sự thật đó đã gây ảnh hưởng xấu, làm rối loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Sạp báo quen thuộc thời báo in còn hưng thịnh.

Ai cũng biết, nhà báo cần giữ vững đạo đức báo chí để giữ vững niềm tin của công chúng đối với hoạt động của mình. Và quan trọng hơn, việc giữ vững đạo đức báo chí sẽ giúp cho quyền được biết, quyền được thông tin về sự thật của người dân trong xã hội dân chủ được bảo đảm hơn. Suy cho cùng, nhà báo rất cần chăm sóc và duy trì niềm tin đối với những mối quan hệ quan trọng, mà mình gây dựng được trong số rất nhiều mối quan hệ kể cả trong đời sống thực cũng như môi trường Internet. Càng tôn trọng và duy trì tốt các mối quan hệ bao nhiêu, nhà báo sẽ gặt hái được nhiều thành quả và những điều hữu ích trong cả sự nghiệp của mình...

 Trong thời kỳ bùng nổ thông tin nhờ công nghệ truyền thông như giai đoạn hiện nay, rõ ràng hơn những vấn đề lý thuyết như trên, việc giữ vững đạo đức báo chí còn có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại, phát triển hay tiêu vong của một nhà báo, một cơ quan báo chí... trong lòng bạn đọc.

 Làm báo trong thời thị trường, đa phần các  cơ quan báo chí vận hành trong cơ chế tự cân đối thu chi, tự lo tài chính, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để bán được báo, để có nhiều người truy cập, nhiều tờ báo, nhiều trang báo mạng đã dần dần đánh rơi mục đích tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của mình để chạy theo lợi nhuận. Ngày càng nhiều người đọc chân chính mỏi mệt khi tiếp xúc thông tin trên báo, trên mạng... và một bộ phận khác, nhất là giới trẻ đã ngơ ngác, thậm chí không cưỡng được sức lôi kéo của các dạng thông tin kiểu ấy đã từng bước tiêu tốn thời gian vào những thông tin tầm thường, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình sống, quá trình hình thành nhân cách...

Liên tục những năm gần đây, các cơ quan có trách nhiệm quản lý báo chí truyền thông đã làm những việc mà trước đây rất ít diễn ra: xử phạt đối với các cơ quan báo chí khi có những dấu hiệu vi phạm những quy định nghề nghiệp và đạo đức báo chí. Việc rà soát và quy hoạch lại báo chí của giai đoạn hiện nay cũng đang là nỗ lực để lập lại trật tự trên lĩnh vực này...

Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Ngoài đẩy mạnh công tác chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, việc nâng cao trách nhiệm công dân và đạo đức báo chí, thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ những người làm báo rõ ràng là công việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay...

Vũ Quỳnh