Lễ hội tháng giêng- đẹp và chưa đẹp!

Thứ tư, 20/02/2019 12:42

1. Lễ hội Tháng Giêng ở miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn còn giữ được nét đẹp chân chất vốn có. Nhìn từ Lễ Hội đình làng Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng) có thể cảm nhận được điều này. Lễ hội rộn ràng, thu hút người dân địa phương và du khách từ thành phố về dự, an ninh trật tự được đảm bảo, không có cảnh chen chúc, xô lấn nhau. Các hoạt động: đua ghe, trình nghề làm bánh tráng nổi tiếng Túy Loan, gói bánh tét, ẩm thực mỳ quảng đậm đà hương vị quê hương cùng các trò chơi dân gian như hát hô bài chòi, nhảy sạp, kéo co v.v, đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng những người con đi làm ăn xa về quê ăn tết, cũng như du khách về dự lễ hội.

Đua ghe- nét đẹp truyền thống được gìn giữ, phát huy trong lễ hội Đình làng Túy Loan tổ chức vào dịp đầu năm.

Ngoài lễ hội Đình làng Túy Loan, các lễ hội khác ở Đà Nẵng diễn ra vào dịp đầu năm mới tuy không đình đám như các lễ hội phía Bắc, nhưng vẫn giữ được hồn cốt của lễ hội truyền thống. Đặc biệt, ý thức người dân Đà Nẵng trong việc tham gia lễ hội ngày càng văn minh đã góp phần gìn giữ, phát huy những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo nên bản sắc riêng cho lễ hội ở Đà Nẵng. Đi chùa cầu an đầu năm ở Đà Nẵng không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc như ở một số tỉnh thành phía Bắc. Tuy vậy, đó đây vẫn còn hiện tượng người bán hàng rong dắt, bồng bế con trẻ ngồi dọc hai bên đường vào chùa nhằm mục đích khơi gợi lòng trắc ẩn từ khách đi lễ Phật để bán hàng cho đắt, trông chưa được văn minh, đẹp mắt.

2.  Không phải ngẫu nhiên khi ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các Bộ, ngành, các đơn vị địa phương... về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, với Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch và các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực; không để xảy ra các hoạt động phản cảm trong lễ hội; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội. Bởi thực tế nhiều năm trở lại đây, cứ vào dịp khai Hội tháng Giêng, tại các đền chùa nổi tiếng phía Bắc thường tái diễn hiện tượng chen lấn, tranh giành lộc nhà chùa. Không ít người sau mỗi chuyến "hành hương" xin lộc, cầu may trở về thề thốt "tởn đến già", sẽ không đi "hành xác" nữa, nhưng rồi tết năm sau vẫn khăn gói du xuân, cầu may xin lộc...

Mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực trong khâu tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, nhưng nhìn dòng người chen chúc xếp hàng nối đuôi nhau nhích từng bước một để được vào chùa xin lộc, cầu may trong ngày khai hội chùa Hương năm nay, không ít người cảm thấy ngao ngán. Càng ngao ngán hơn khi mới đây dư luận xôn xao trước việc một chùa ở Hà Nội từ chối làm lễ dâng sao, giải hạn cho một người dân chỉ bởi vì họ thiếu tiền lễ 50.000 đồng! Đức tin, tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người. Thiếu đi đức tin, thiếu đi tín ngưỡng, cuộc sống hẳn sẽ thiếu vắng nhiều điều tốt đẹp. Du xuân lễ hội hay lên chùa đầu năm cầu an vốn là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Tuy nhiên, việc lạm dụng, biến tướng tín ngưỡng trở thành mê tín là điều không nên, không thể chấp nhận. 

3. Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh- Trụ trì chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)-  ngoài nét đẹp cầu an, việc đi lễ chùa lễ Phật, nhất là vào dịp đầu năm còn là để nuôi dưỡng tâm linh, đạo đức. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho rằng, cái gì thái quá cũng không nên. Đơn cử như không nên thắp quá nhiều hương, vặt hết lộc, hoa ở cửa chùa hay đốt quá nhiều vàng mã để cầu nguyện... "Bất kỳ cái gì cũng vậy, đều phải có chừng mực, vừa phải. Ví như, uống thuốc dù có là thuốc bổ cũng phải đúng và đủ liều lượng; đường sá tốt mấy đi chăng nữa mà người điều khiển chạy xe quá tốc độ, không tuân thủ luật cũng xảy ra tai nạn thôi. Thái quá hay cực đoan, cấm ngăn hết thì cũng không nên..."- Thượng tọa Thích Huệ Vinh chia sẻ thêm. Cũng theo ông, một số lễ hội ở các nơi trong cả nước còn tái diễn những hiện tượng không đẹp, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội thì ngoài nguyên nhân do nhận thức và ý thức của người tham gia lễ hội cũng có một số nhà quản lý, chùa hoặc không hiểu hoặc vì lợi nhuận v.v đã đề cao thái quá, lạm dụng tín ngưỡng, tâm linh dẫn đến mê tín. Vì những lẽ đó, theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các lễ hội, trong việc đi lễ chùa. Công tác truyền thông tốt, đúng định hướng sẽ giúp cho các lễ hội, đi lễ chùa cầu an đầu năm ngày càng văn minh.

P.Thủy