Lo ngại bất đồng Mỹ - Hàn trong giải quyết vấn đề Triều Tiên
Lãnh đạo đảng Bareun đối lập của Hàn Quốc Yoo Seong-min ngày 4-1 bày tỏ lo ngại về bất đồng Hàn - Mỹ khi giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, trong bối cảnh gia tăng triển vọng về đối thoại giữa hai miền Triều Tiên.
|
Một quan chức Hàn Quốc nói chuyện với Triều Tiên qua đường dây nóng. Ảnh: CNN |
Phát biểu trong cuộc họp của đảng này, ông Yoo chỉ ra lập trường cứng rắn của Washington với Bình Nhưỡng, trái ngược với nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên Triều của Seoul sau bài phát biểu nhân dịp năm mới của nhà lãnh đạo Tiên Kim Jong-Un, được đánh dấu bởi động thái “chìa cành ô-liu” đầy bất ngờ cho Hàn Quốc.
Ông Yoo dẫn lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông H. R. McMaster khi quan chức này trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Mỹ trong tuần này bày tỏ, bất cứ ai cho rằng bài phát biểu của ông Kim là sự cam kết thì do họ đã “uống quá nhiều rượu champagne trong những ngày lễ”. Ông McMaster cũng ví bài phát biểu của ông Kim như một “cách tiếp cận tinh vi nhằm tìm cách làm suy yếu” sự phối hợp giữa các đồng minh chống Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo đảng Bareun cũng kêu gọi áp dụng chiến lược phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bao gồm tăng cường các biện pháp trừng phạt và gây sức ép “siêu mạnh”, duy trì liên minh vững chắc Hàn- Mỹ và kết hợp năng lực quốc phòng mạnh mẽ của hai nước đồng minh này. Ông cũng tái khẳng định sự cần thiết phải triển khai lại các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, vốn đã bị rút khỏi Hàn Quốc hồi đầu những năm 1990.
Lo ngại hoàn toàn có cơ sở
Lo ngại của ông Yoo Seong-min là hoàn toàn có cơ sở bởi trong khi Hàn Quốc đang tìm mọi cách giảm căng thẳng với Triều Tiên để từ đó tiến tới đối thoại với Bình Nhưỡng thì Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Triều Tiên. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hôm 2-1 phản đối giải pháp đàm phán tạm thời giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), tướng Vincent K. Brooks cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sẵng chiến đấu và sự thống nhất giữa các cường quốc trong khu vực để đối phó với “cuộc tấn công hòa bình” gần đây của Triều Tiên.
Tướng Brooks cho rằng, trước cử chỉ hòa bình của Triều Tiên, điều quan trọng là Hàn - Mỹ phải duy trì liên minh mạnh mẽ và sắc bén, đồng thời sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp “kết quả tiêu cực chứ không phải tích cực” với tình hình hiện tại. Ông cho rằng, với sự nhất quyết tiến hành các hành động khiêu khích trong năm qua, mục đích của Triều Tiên là nhằm tạo ra sự bất đồng giữa 5 nước gồm Hàn, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Do đó, theo ông, 5 cường quốc này phải phối hợp và phản ứng hài hòa hơn đối với chiến lược tinh vi này của Triều Tiên.
Giới chuyên gia cũng nhận định, các cuộc đàm phán hiếm hoi được Triều Tiên và Hàn Quốc đề xuất có thể xoa dịu căng thẳng hiện nay giữa các nước láng giềng này, nhưng không cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un sẽ sớm từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo ông Hazel Smith - chuyên gia về Triều Tiên và là Giáo sư của Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London, cuộc thảo luận hiếm hoi như trên sẽ được giới hạn chỉ trong Thế vận hội mùa Đông trong tháng tới. Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên hạ giọng và đề xuất đàm phán là vì muốn xoa dịu xung đột với Mỹ để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Bình Nhưỡng cũng đồng thời muốn cải thiện quan hệ với láng giềng Hàn Quốc và tìm cách tăng cường đầu tư kinh tế cho đất nước.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm rằng các cuộc đàm phán được Triều Tiên đề xuất không phải là bước đi đầu tiên hướng tới việc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân - mục tiêu hàng đầu của Mỹ.
Liên Triều tiếp tục giữ liên lạc
Dù có những nhận định không mấy lạc quan về tình hình hiện nay giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, ngày 4-1, hai miền vẫn giữ liên lạc thông qua đường dây được nối lại.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, một quan chức liên lạc của Triều Tiên đã gọi cho người đồng cấp Hàn Quốc tại ngôi làng biên giới Panmunjom vào lúc 9 giờ 30. Khi được hỏi rằng liệu Triều Tiên có cần thông báo cho Hàn Quốc trong cuộc gọi đầu tiên hay không, quan chức Triều Tiên trả lời: “Không”. Bộ trên dẫn lời quan chức Triều Tiên, cho biết: “Nếu có gì cần thông báo, chúng tôi sẽ liên lạc với các bạn”. Bên cạnh đó, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Hai miền Triều Tiên đã không trao đổi chi tiết gì trong cuộc gọi. Chúng tôi sẽ chờ phản hồi của Triều Tiên với tư thế bình tĩnh và xem xét các bước đi tiếp theo”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã hoan nghênh việc nối lại kênh liên lạc giữa hai nước, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến ngoại giao hơn nhằm chấm dứt căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
AN BÌNH