Một năm sau vụ cháy tòa tháp Grenfell: Vẫn ám ảnh một nỗi đau

Thứ sáu, 15/06/2018 15:03

Một năm trước, tòa tháp chung cư Grenfell ở phía Tây thủ đô London bùng cháy khiến 72 người thiệt mạng. Đó là vụ hỏa hoạn gây chết người nhiều nhất ở Anh kể từ sau Thế chiến II, một nỗi kinh hoàng khiến cả đất nước chấn động. Ngày 14-6 năm nay, những người sống sót, gia đình của các nạn nhân cũng như toàn nước Anh bắt đầu lễ tưởng niệm các nạn nhân của một trong những thảm họa đô thị tồi tệ nhất nước này.

Những người sống sót, và người thân, bạn bè của các nạn nhân tuần hành đến Grenfell tổ chức một buổi cầu nguyện qua đêm.

Tòa tháp Grenfell được thắp sáng bằng màu xanh lá cây vào rạng sáng 14-6 với những tầng trên cùng được che phủ bằng những tấm bảng màu trắng hiển thị trái tim xanh lớn - với dòng chữ "Grenfell mãi mãi trong tim chúng ta". Các tòa nhà trên khắp nước Anh, gồm dinh thự chính thức của Thủ tướng Theresa May số 10 phố Downing và London Eye, cũng được thắp sáng bằng màu xanh lá cây để tưởng niệm các nạn nhân. Học sinh trên khắp nước Anh được khuyến khích mặc quần áo màu xanh trong ngày 14-6 như là một cách để tưởng nhớ những người đã chết.

Nhiều sự kiện được tổ chức đánh dấu sự kiện bi kịch này, gồm buổi cầu nguyện 24 giờ, lễ tưởng niệm tại nhà thờ và sự ra mắt của bức tranh theo phong cách Hồi giáo được thực hiện bởi trung tâm cộng đồng Hồi giáo địa phương Al-Manaar. Những người sống sót tập trung tại tòa tháp cùng với người dân cả nước có một phút mặc niệm vào buổi trưa. Nhiều cuộc tuần hành diễn ra trên khắp nước Anh.

Thảm họa tồi tệ nhất sau Thế chiến II

72 người thiệt mạng, nhiều người trong số đó là trẻ em, khi ngọn lửa bùng lên lúc 1 giờ ngày 14-6-2017 ở tòa tháp dân cư 24 tầng. Vụ hỏa hoạn bộc lộ nhiều thiếu sót của nhiều cơ quan quản lý, cũng như những điểm yếu nguy hiểm về nhà ở xã hội, quy hoạch đô thị, các quy định về hỏa hoạn và quản lý thiên tai.

Thảm kịch này được cho là một sự xấu hổ của quốc gia. Có phải Grenfell là tai nạn bi thảm, kết quả của việc chính phủ cắt giảm chi phí và các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo, hay do chính quyền không quan tâm đến những người dân sống trong nhà ở công cộng? "Tôi không thấy điều này như một bi kịch. Tôi thấy đó là một sự tàn bạo", Hissam Choucair, người mất 6 người thân trong đám cháy, cho biết. Nhiều cư dân cho biết, họ đã phàn nàn về sự an toàn và bảo dưỡng kém nhưng bị phớt lờ vì tòa tháp này là nơi cư trú của đa số dân nhập cư và tầng lớp lao động.

Tòa tháp cao tầng được thiết kế để ngăn chặn đám cháy lan rộng. Nhưng trong vòng vài phút, ngọn lửa từ tầng 4 đã bùng lên. Cả tòa tháp 25 tầng biến thành ngọn đuốc sáng rực. Nhiều người bỏ chạy, nhưng những  người ở các tầng trên đã nghe lời khuyên an toàn về hỏa hoạn và vẫn ở lại. Lực lượng cứu hỏa đã thay đổi hướng dẫn lúc 2 giờ 47 nhưng lúc đó, cầu thang thoát hiểm duy nhất của tòa nhà đã đầy khói. Nhiều người chết khi cố gắng thoát ra ngoài. Những người khác thiệt mạng trong nhà trong khi chờ đợi để được giải cứu. 3 người chết bên ngoài do ngã xuống hoặc nhảy xuống từ tòa tháp.

Vào lúc mặt trời mọc, tòa nhà trở thành một khối đen sì. Hàng trăm người trở nên vô gia cư. Sự hủy diệt của đám cháy lớn đến mức phải mất vài tháng sau đó, cảnh sát mới biết chắc có bao nhiêu người đã thiệt mạng.

Còn nhiều việc phải làm

Sau vụ hỏa hoạn, chính phủ ngay lập tức hứa sẽ sắp xếp lại chỗ ở cho tất cả những người phải đi di tản trong vòng 3 tuần. Nhưng một năm qua đi, một số cư dân của tòa tháp vẫn phải sống trong các khách sạn, và nhiều người vẫn đang ở nhà tạm. Thủ tướng Theresa May hôm 13-6 cho biết, 183 trong số 203 gia đình bị ảnh hưởng đã chấp nhận nhà mới do chính phủ cấp, mặc dù hầu hết vẫn chưa chuyển đến.

Một cuộc điều tra công khai cuối cùng cũng diễn ra vào tháng trước. Sẽ mất 18 tháng để xác định nguyên nhân vụ cháy, phản ứng của lực lượng cứu hỏa cũng như những quy định xây dựng nhà cao tầng của Anh. Một báo cáo của kỹ sư an toàn hỏa hoạn cho thấy, lớp vỏ bằng nhôm và nhựa dễ cháy được lắp đặt trên mặt tiền của tòa tháp trong đợt cải tạo gần đây đã giúp ngọn lửa lan truyền "nhanh hơn". Nhiều câu hỏi được nêu ra về việc liệu có nhiều người thiệt mạng hơn là do lời khuyên "ở lại trong phòng" của lực lượng cứu hỏa hay không. Cảnh sát cũng đang điều tra cáo buộc  ngộ sát của Cty quản lý tòa nhà. Tony Travers, giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho rằng, thảm họa là "lỗi sai của cả hệ thống" chứ không phải từ một nguyên nhân duy nhất.

Những sai sót về an toàn tại Grenfell buộc chính phủ phải xem lại nhà ở xã hội trong cả nước.  Tháng trước, chính phủ của bà May đáp ứng yêu cầu của chính quyền địa phương, tài trợ cho việc thay thế các tấm ốp dễ cháy, tương tự như đã sử dụng ở Grenfell, tại hơn 300 tòa nhà trong cả nước với chi phí 400 triệu bảng (535 triệu USD).

AN BÌNH