Một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Covid-19

Thứ hai, 09/03/2020 11:29

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả nước đã vào cuộc quyết liệt phòng, chống đại dịch này. Tuy nhiên, vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu ý thức, đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây tác động xấu lên xã hội. Chuyên mục kỳ này khuyến cáo một số hành vi vi phạm và các chế tài xử lý dưới đây.

1.Hành vi che giấu, không khai báo, khai báo không trung thực về diễn biến dịch tễ: Điều 6 Nghị định (NĐ) 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 200.000 đến 1 triệu đồng đối với các hành vi như: không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh); che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2.Từ chối, trốn tránh xét nghiệm, tự ý rời khỏi khu vực cách ly: Điều 6, Điều 10 NĐ 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 500.000 đến 10 triệu đồng, buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với các hành vi như: Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; ngoài ra, căn cứ Điều 240 Bộ luật Hình sự thì cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng đối với các hành vi: làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hoặc dẫn đến công bố dịch thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Thủ tướng, hoặc làm chết người.

3. Tăng giá vật tư y tế, nhu yếu phẩm: căn cứ Điều 13 NĐ 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 60 triệu đồng, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 2 triệu đến 120 triệu đồng khi có hành vi Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 40 triệu đến 60 triệu đồng khi có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Người vi phạm còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đầu cơ quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 30 triệu đến 9 tỷ đồng hoặc bị phạt tù lên đến 15 năm.

4. Tung tin đồn thất thiệt: Căn cứ Điều 64 NĐ 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vu khống.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425.