Mừng hay lo!

Thứ năm, 16/07/2015 09:52

(Cadn.com.vn) - Hiến pháp của Nhật Bản là biểu tượng của hòa bình và tôn trọng các giá trị phổ quát hay là lời nhắc nhở về thất bại của nước này trong Thế chiến II? Đây là câu hỏi đang làm nóng nghị trường ở Nhật trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực viết lại Hiến pháp hòa bình ra đời kể từ sau Thế chiến II.

Hầu hết cho rằng, Hiến pháp hiện tại là nguồn gốc của hòa bình, thịnh vượng và dân chủ của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ chính sách bảo thủ của ông Abe, người từ lâu muốn viết lại hiến pháp nhưng thiếu phương tiện chính trị, lại xem nó như là một tài liệu chất lượng kém. Nhiều người thậm chí chỉ trích bản Hiến pháp "mang đầy tính ác ý và thù hận" khi muốn nhắc người Nhật nhớ mãi về thất bại trong Thế chiến II.

Và giờ đây, chính trường Nhật lại nổi sóng khi bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ cả ở trong lẫn ngoài Nhật Bản, Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện nước này hôm 15-7 thông qua dự luật an ninh, theo đó cho phép thực thi một thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của chính quyền Tokyo, kể từ sau Thế chiến II.

Liên minh cầm quyền, trong đó có đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng nhỏ Komeito, sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này tại Hạ viện vào hôm nay (16-7). Các đảng cầm quyền duy trì 2/3 số ghế tại Hạ viện trong Quốc hội lưỡng viện của Nhật. Theo luật pháp nước này, nếu một dự luật được thông qua tại Hạ viện nhưng bị Thượng viện phủ quyết, dự luật vẫn có thể được ban hành sau khi đảm bảo hơn 2/3 số phiếu trong cuộc bỏ phiếu mới tại Hạ viện. 

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hầu hết người dân Nhật phản đối dự luật an ninh này và khoảng 90% các chuyên gia nhìn nhận dự luật này là vi hiến. Khoảng 1.000 người Nhật biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở trung tâm thành phố Tokyo khi có thông tin cho biết dự luật đã được thông qua.

Nhiều người cho rằng, nếu chính quyền Thủ tướng Abe buộc Quốc hội phải thông qua dự luật này mà không cần sửa đổi hiến pháp, đó sẽ là khởi đầu của chế độ độc tài và làn sóng phá hủy của các quy định của pháp luật. Những người phản đối cho rằng, dự luật này - có thể cho phép quân đội ra nước ngoài chiến đấu lần đầu tiên sau Thế chiến II - sẽ vi phạm hiến pháp ưa chuộng hòa bình của quốc gia và có nguy cơ đẩy Tokyo vào các cuộc xung đột do Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên, trong tuyên bố sau khi dự luật này được thông qua, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định những thay đổi đó, được đồng minh Mỹ hoan nghênh, là yếu tố then chốt để đối phó với thách thức mới như sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trên thực tế, dự luật nếu được ban hành, sẽ cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đóng vai trò lớn hơn bằng cách tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài và giúp bảo vệ những đồng minh hoặc thực hiện quyền tự vệ tập thể. Nhưng theo Điều 9 của Hiến pháp hòa bình, SDF bị cấm sử dụng quyền phòng thủ tập thể.

Thanh Văn