Mưu sinh dưới những tán rừng
Bất chấp “chảo lửa” tháng 8, một nhóm phu keo vẫn lao động miệt mài vác từng đoạn cây nặng trịch, trơn truột băng từ các rừng keo lởm chởm ở thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ra đến chỗ xe chờ vận chuyển. Phía trên đỉnh đồi, lẫn trong đám khói đen kịt và tiếng máy nổ ầm ầm của máy cưa, một nhóm lao động khác cũng đang khẩn trương bóc vỏ keo, dồn thành đống…Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Sang (trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang), được biết, nhóm phu keo của chị gần 20 người chuyên làm thuê cho các ông chủ mua keo rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Mỗi nhóm chỉ vài người nam thay nhau cưa hạ keo và vác những đoạn keo nặng, còn lại đa số là nữ làm công việc lột vỏ, chuyển và xếp gỗ keo lên xe. Trung bình 1 tấn keo đã lên xe nhận khoảng 200 - 250 ngàn đồng tùy địa hình khó hay dễ, xa hay gần đường lộ. Tính ra mỗi người lao động cũng được 1 tấn keo/ngày... Còn ở thôn Hòa Xuân (xã Hòa Phú), hàng chục lao động người dân tộc Mường (H. Ngọc Lặc, Thanh Hóa) rời quê hương cũng đang mưu sinh trên những cánh rừng. Họ đắp đổi cuộc sống qua ngày bằng cái nghề vất vả này để gia đình bớt đi gánh nặng cơm áo. Ngồi phơi lưng đập vỏ keo, anh Bùi Văn Soán chia sẻ, cùng ăn ở nhiều năm nay rồi nên nhóm lao động của anh coi nhau như ruột thịt, hễ cây nào nặng mọi người cùng làm, mỗi người một vai, việc gì cũng xong. Ăn, ngủ giữa rừng thiếu thốn trăm bề. Đêm về, quây quần bên ấm chè, ly rượu để vơi đi bao nỗi nhớ mong. “Trừ chi phí ăn uống, mỗi tháng cũng kiếm hơn 4 triệu đồng, chớ ngoài quê biết làm gì cho ra tiền. Bọn nhỏ ở nhà sắp vào năm học mới nên phải có đồng ra đồng vào mà trang trải”, anh Soán chia sẻ.
![]() |
Nhóm phu keo ngoài địa phương đang chất cây lên xe ở xã Hòa Phú. |
Chúng tôi tiếp tục băng qua các tảng đá gập ghềnh ven sông Lỗ Đông để đến khu rừng keo vừa mới khai thác xong. Nhiều phụ nữ hành nghề mót củi đang vây quanh một vạt keo úa lá, nhanh chóng mé tán, cắt thành từng đoạn nhỏ. Công việc diễn ra liên tục, thi thoảng mọi người mới tạm dừng tay nghỉ ngơi, uống vài ngụm nước. Chị Nguyễn Thị Lên (trú Hòa Hải) cho biết, nhà chị nằm ven tuyến QL14G, đất sản xuất không nhiều, chăn nuôi cũng chẳng khá hơn nên kinh tế gia đình luôn gặp khó khăn. Nhiều năm trước, chồng chị thường xuyên đi rẫy, lao động thuê cho các chủ rừng bảo chị đi theo phụ mót củi keo về nhóm bếp. Ban đầu thì vậy nhưng sau thấy củi nhiều quá, bỏ cũng tiếc nên chị quơ hết, chất đống rồi từ từ vác bộ xuống núi chất đống bán lại cho cánh lái xe khi lên chở keo, họ kết hợp mua vài chục bó, mỗi bó từ 5 - 7 ngàn đồng chở về xuôi bán lại cho những thợ đốt lò. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng phải làm bởi đó là nguồn sống của gia đình chị... “Trước đây, chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân không được tác động vào các khu rừng tự nhiên nên củi không nhiều, nay mỗi rừng keo khai thác xong thì củi lại nhiều vô kể. Nếu mình không biết tận dụng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống thì khi chủ rừng xử lý thực bì cũng đốt bỏ thôi”, chị Lên bộc bạch.
Mùa này, khắp vùng đồi núi, trung du H. Hòa Vang - nơi có diện tích rừng trồng keo nhiều với 10.700ha, dễ thấy từng phận người lặng thầm với các công việc mưu sinh dưới những tán rừng. Dẫu cánh rừng đó có nằm vắt vẻo trên triền núi cao hay dưới vực sâu nhiều hiểm họa, họ cũng sẵn sàng vượt qua, lần theo dấu vết xe vận chuyển cây để lao động và hành nghề.
VY HẬU