Mỹ với 50 năm sứ mệnh Apollo
Ngay lúc đó, ông Neil Armstrong đã có câu nói bất tử: “Đó là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại”.
![]() |
Ba phi hành gia trên con tàu vũ trụ Apollo 11 rời Trái đất để đến Mặt trăng. Ảnh: AFP |
Đã 50 năm sau khi tên lửa đẩy Saturn V xuất phát từ Trung tâm vũ trụ Kennedy tại đảo Merritt, bang Florida, Mỹ mang theo những con người đầu tiên lên Mặt trăng, đánh dấu cột mốc vĩ đại trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại.
Bắt đầu từ ngày 16-7 (giờ Mỹ), chính quyền Mỹ tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm sứ mệnh Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), lần đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng. Theo AFP, Đài tưởng niệm Washington được thắp sáng trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 18-7 với hình chiếu kích thước 111m của tên lửa Saturn V khổng lồ. 2 thành viên còn sống của phi hành đoàn, Buzz Aldrin (89 tuổi) và Michael Collins (88 tuổi), đã gặp nhau tại bệ phóng 39A của Trung tâm vũ trụ Kennedy để khai mạc các tuần lễ kỷ niệm. Chỉ huy của họ và người đàn ông đầu tiên lên Mặt trăng, Neil Armstrong, đã qua đời năm 2012, lúc 82 tuổi.
“Bước đi nhỏ, bước tiến vĩ đại”
Ngày 16-7-1969 (giờ Mỹ), tàu vũ trụ Apollo 11 rời Trái đất, mang theo những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Đây là sứ mệnh thứ 5 trong chương trình Apollo của NASA nhưng là sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng.
3 nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong, Buzz Aldrin cùng Michael Collins là những người thực hiện trọng trách này. “Chúng tôi cảm thấy sức nặng của thế giới đặt trên vai, và biết rằng mọi người đều đặt hy vọng vào chúng tôi, dù họ là bạn hay thù”, phi công Michael Collins nói với hãng tin AFP hôm 17-7. Thật vậy, chuyến bay lịch sử thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Mỹ và toàn thế giới. Sự kiện này đã được tường thuật trực tiếp và phát sóng trên toàn cầu. Khoảng 600 triệu người trên khắp thế giới theo dõi trực tiếp chiến dịch đổ bộ Mặt trăng của Apollo qua truyền hình.
Sau khi được phóng qua tầng khí quyển của Trái đất, tàu Apollo 11 được tách ra và tiếp tục chặng đường kéo dài 3 ngày trên hành trình hướng đến Mặt Trăng. Khi vào quỹ đạo của hành tinh, các phi hành gia điều khiển modul - được gọi là “Đại bàng” tiếp cận và hạ cánh tại khu vực “Biển tĩnh lặng” trên Mặt trăng vào ngày 20-7-1969. Nhiều giờ sau, phi hành gia Neil Armstrong xuất hiện, mở cửa modul và đi xuống chân thang, bước ra ngoài và đặt bước chân đầu tiên của con người lên bề mặt Mặt trăng. Ngay lúc đó, ông đã có câu nói bất tử: “Đó là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại”.
Ông Armstrong và Buzz Aldrin đã dành hơn 2 giờ đồng hồ cùng nhau khám phá, chụp hình và thu thập mẫu vật trên bề mặt Mặt trăng để đem về Trái đất nghiên cứu. Trong khi đó, ông Collins vẫn ở trong modul chỉ huy Columbia, phương tiện duy nhất để họ trở lại Trái đất. Trước khi quay lại tàu, họ đánh dấu sự có mặt của con người bằng cách cắm cờ Mỹ trên Mặt trăng. Ngày 24-7, các phi hành gia trở về Trái đất an toàn.
Khi nào người Mỹ trở lại Mặt trăng?
Trong lần trả lời phỏng vấn mới đây, ông Collins trả lời các câu hỏi trong nửa thế kỷ về việc liệu ông cảm thấy cô đơn hay bị bỏ rơi sau chuyến đi lịch sử này hay không. “Tôi luôn được hỏi như vậy và câu trả lời là “Không, tôi cảm thấy ổn!”. Sau khi trở về Trái đất, các phi hành gia mất nhiều tuần để cách ly trước khi bắt đầu chuyến du lịch toàn cầu. Ông Collins cho biết sau đó ông được đề nghị chỉ huy sứ mệnh Apollo 17, nhưng đã từ chối để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Không có con người nào trở lại Mặt trăng kể từ năm 1972, năm đánh dấu sứ mệnh Apollo cuối cùng. Tổng thống George H.W. Bush hứa sẽ làm như vậy vào năm 1989. Con trai của ông, Tổng thống George W. Bush cam kết sẽ tiến lên sao hỏa vào năm 2004. Nhưng cả hai đã thất bại do Quốc hội không có khuynh hướng ủng hộ cho các cuộc phiêu lưu như vậy. Tổng thống Donald Trump đã khởi động lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng - lần này là với mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên lên hành tinh này - và hành trình trở về sao hỏa. Nhưng thời hạn (lần lượt là vào năm 2024 và 2033) có vẻ không thực tế và gây ra sự hỗn loạn trong cơ quan vũ trụ.
Tuần trước, quản trị viên của NASA Jim Bridenstine đã sa thải Quản trị viên liên kết của NASA cho hoạt động khám phá và khai thác con người Bill Gerstenmaier. Lý do có thể là do những bất đồng trong việc thực hiện mục tiêu của Tổng thống Trump là năm 2024 sẽ đưa một người Mỹ trở lại Mặt trăng.
KHẢ ANH